Hương vị Việt trong không gian văn hóa ẩm thực toàn cầu

Hương vị Việt trong không gian văn hóa ẩm thực toàn cầu

Nếu có dịp thưởng ngoạn những ngày Tết Việt ở trời Âu, quý vị đừng quá ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài chào mình bằng câu tiếng Việt lơ lớ: “Chúc mừng năm mới!”.

Một người Ba Lan thắp nhang khấn xin lộc trên bàn thờ trong đền Mẫu của người Việt ở Raszyn. Ảnh: Lê Thanh Hải

Ở Anh, khách hàng đến các tiệm làm móng của người Việt đã quá quen với chuyện phải hỏi xem cửa hàng có đóng cửa trong ngày mùng một Tết ta hay không, và nếu chủ tiệm mở cửa lấy hên thì họ luôn không quên đem thêm tiền để lì xì ngoài giá thường ngày. Dân London mỗi năm lại kéo nhau đi xem đèn lồng trong khu nhà hàng của người Hong Kong và không ít người chọn ăn món Việt để nhớ lại hương vị từ chuyến du lịch Việt Nam. Dân làm văn phòng thì không còn lạ lùng với phở và bánh mì nay đã thành danh từ riêng trong tiếng Anh. Đến khi vào quán Việt xem họ cuốn bánh xèo với rau sống chấm nước mắm hay cầm đũa ăn bánh cuốn với giò lụa thì chắc chắn quý vị sẽ không còn nghĩ rằng mình đang nghe chuyện phóng đại nữa.

Tiệm bánh mì mang tên Hội An ở London

Món Việt không chỉ là lựa chọn cho những du khách từng sang Việt Nam. Ngay ở Warszawa, sinh viên hay công chức chưa từng một lần đủ tiền mua vé máy bay đi chơi xa như vậy vẫn thành thạo vào quán Việt gọi bún chả giò rồi chan nước mắm cầm đũa ăn ngon lành. Những người Việt sống ở nước ngoài là yếu tố quan trọng trong việc đem ẩm thực Việt ra thế giới, nhưng thực sự ra thì chính những cơn gió toàn cầu hóa đã đem hương vị Việt đến mọi nơi. Nhiều chuỗi cửa hàng phở ở Seoul do chính người Hàn Quốc kinh doanh, và hệ thống Phở trong khu mua sắm sang trọng Westfield ở London không phải của người Việt. Món chả giò chiên kiểu Sài Gòn nhưng được làm thành cuốn to và dùng bắp cải làm thành phần chính trong nhân để ăn với nước xốt chua ngọt đã trở thành món ăn thường ngày ở Ba Lan với cái tên đã bản địa hóa là Sajgonki mà chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ McDonald ở Ba Lan cũng từng phải thử nghiệm. 

Cửa hàng thực phẩm châu Á là hình ảnh không thể thiếu trong các khu thương mại có nhiều người Việt kinh doanh ở Ba Lan

Và ngược lại, người dân bản địa cũng biết chớp cơ hội để kinh doanh thực phẩm tươi sống cho người Việt. Nông dân ngoại ô London trồng khổ qua, ớt, rao bán thịt dê, còn nông dân ngoại ô Warszawa bán rau bí, su hào, gà trống thiến đi bộ, bên cạnh những vườn rau do chính người Việt trồng từ bí cho đến cải cúc và rau thơm các loại. Nếu muốn ăn bún riêu, bạn có thể mua cua nhập từ Hamburg của Đức. Nếu muốn ăn tôm nướng bạn có thể chọn hàng nhập từ Na Uy. Cam từ Tây Ban Nha, dưa hấu từ Trung Á, bắp cải Ý, rau muống Thái Lan, quýt Nam Mỹ, hồng Israel... Tôi vẫn thường mua bưởi Năm Roi bán ở cửa hàng rau góc phố của anh bạn người Ấn Độ, mua bánh tráng Mỹ Tho bán trong siêu thị của người Hàn Quốc, mua cá bông lau Cần Thơ bán trong cửa hàng thực phẩm Thái Lan, và mua nước dừa Bến Tre đóng hộp trong tiệm tạp hóa của anh bạn người Thổ Nhĩ Kỳ. Mà không chỉ vậy, tôi có thể chọn mua nước tương Maggie chính hiệu của Pháp sản xuất ở Cộng hòa Czech bán trong cửa hàng của người Ba Lan, chọn mua tương ớt Huy Phong do người Việt bên Mỹ trồng và sản xuất bán trong siêu thị của người Anh, đặt mua bánh chưng do người Việt bên Ba Lan gói gửi theo đường bưu kiện chuyển phát nhanh, hoặc tự gói với lá dong mua từ tiệm Ấn Độ và gạo nếp Thái Lan mua từ cửa hàng Nhật, thịt heo Yorkshire Anh nuôi ở Pháp hay Bỉ... Hương vị Việt trong thế giới toàn cầu không chỉ đơn giản là sự du nhập của sản vật từ Việt Nam vào một nước nào đó, mà là đồ ăn Việt được nấu trong không gian văn hóa toàn cầu với nguyên liệu được chọn lựa từ nhiều nước và dành cho thực khách từ đủ mọi dân tộc khác nhau. Cùng với Tết Việt, hương vị Việt là một phần không thể thiếu được của không gian văn hóa toàn cầu.

Người Ba Lan chọn nguyên liệu nấu món ăn Việt tại một hàng thực phẩm Việt Nam ở trung tâm Wólka Kosowska

Rất nhiều loại rau Việt Nam được trồng ngay tại Ba Lan để cung cấp riêng cho nhu cầu của người Việt ở đây

 Điều quan trọng là thái độ của mỗi người Việt đối với vấn đề này. Cách nhìn của người Việt đã mấy chục năm qua vẫn giống như ngày nào Nguyễn Tuân thèm phở ở Helsinki và viết ra một bài văn thèm phở, hay Vũ Bằng với một nỗi nhớ phở Hà Nội. Hôm nay món phở đã vào Sài Gòn, sang tận Helsinki và lan tỏa khắp mọi thành phố lớn trên thế giới, cũng giống như món mì Ý cũng qua Mỹ rồi lan tỏa về tận Việt Nam. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu, mà món ăn từ nơi này mang âm hưởng từ nơi khác là chuyện hiển nhiên. Việt Nam không chỉ đơn giản từng là một xứ thuộc địa xa xôi mà từng là một điểm đến của thế giới, với kiến trúc Pháp, với ký tự Latin của những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, với những chiếc thuyền thúng phát xuất từ xứ Anh quốc xa xôi qua những thủy thủ viễn dương từng đến đây sinh sống từ vài trăm năm trước, với bánh xèo mang hương vị Ấn Độ, với măng cụt, chôm chôm do những thế hệ trí thức đầu tiên như Petrus Ký mang về, với sầu riêng và mãng cầu Xiêm - như tên gọi - từ Thái Lan chuyển sang, với đủ mọi loại xà lách và gia vị từ Châu Âu đến. Chỉ cần bước vào Thương xá Tax trước đây là ta có thể nhìn thấy vị trí của Sài Gòn trên bản đồ thế giới qua những tấm phù điêu từ xứ Ả Rập theo phong cách mozaic thời La Mã bên cạnh nét kiến trúc baroc của thực dân Pháp một thời ngang dọc quả đất. Gần đó là chợ Bến Thành với những bức hoa văn gốm Biên Hòa và những món ăn đậm đà bản sắc Nam bộ... Văn hóa Việt luôn là một phần của văn minh nhân loại và di sản văn hóa dân tộc luôn chờ ta phát hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, như những ruộng lúa Việt trên đất Pháp, khổ qua Việt trên đất Ba Lan, và rau thơm Việt trên đất Nga, hay cây trái Việt trên đất Mỹ.
 
 Tết Việt nơi xa xứ là hương vị Việt từ quê nhà và Tết Việt ở quê hương là sơn hào hải vị từ nơi xa. Trong lúc chúng ta vẫn còn đang băn khoăn về câu chuyện nguồn cội thì bản sắc Việt đã lan tỏa trên bàn ăn thế giới, chờ thế hệ trẻ khám phá và đón nhận.

TS Lê Thanh Hải
Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan

Tin cùng chuyên mục