Hút khách nhờ khác biệt

Giữa cơn bão chương trình truyền hình thực tế, gameshow mang tính giải trí thì chương trình thiên về trí tuệ vẫn có chỗ đứng và sức hút riêng nếu biết tạo ra sự khác biệt.    

Sau hơn 24 giờ đăng tải trên YouTube, tập phát sóng đầu tiên chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem, đứng thứ 12 trong danh sách tốp thịnh hành (trending).

Có nhiều lý do để lý giải cho thành công bước đầu của Siêu trí tuệ Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của nhà báo, MC Lại Văn Sâm trên ghế nóng giám khảo cùng ca sĩ Tóc Tiên và dàn giám khảo khách mời “rất chất”, trong khi MC được trao cho Trấn Thành. Nhưng, yếu tố tiên quyết nằm ở những người chơi.

Đúng như tên gọi, ngay trong tập đầu lên sóng, 2 nhân tố xuất hiện đã gây bão. Đó là Huỳnh Diệu Linh, cô bé 17 tuổi có thể nhìn và nhớ được hàng trăm bức ảnh sân bay được chụp từ vệ tinh và đánh số chính xác.

Đáng khâm phục hơn là cậu bé 14 tuổi Phước Vinh, chỉ trong vòng 20 phút đã hệ thống được 1.000 mốc sự kiện lịch sử trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chỉ trong 5 phút, 19 dữ kiện lịch sử với gần 150 con số đã được Phước Vinh đọc không sai một con số. Sau đó, cậu bé bóc tách các sự kiện này và giải thích một cách cặn kẽ, chi tiết hơn cả đáp án được đưa ra.  

Theo đại diện ban tổ chức, Siêu trí tuệ Việt Nam quy tụ 24 ứng viên là người bình thường nhưng sở hữu năng lực trí tuệ khác biệt ở các lĩnh vực: trí nhớ, toán học, rubik, quan sát... Họ sẽ cùng nhau trải qua 3 vòng đấu: tuyên chiến, thách đấu và đại chiến quốc tế.  

Sẽ là quá sớm để đánh giá về thành công của Siêu trí tuệ Việt Nam khi chương trình chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, hiệu ứng từ tập phát sóng đầu tiên là tín hiệu vui đối với khán giả. 

Thời gian qua, các chương trình truyền hình thực tế hay gameshow trên màn ảnh rộng chủ yếu chỉ tập trung vào yếu tố giải trí, trong đó các cuộc thi về ca hát, hài vẫn chiếm ưu thế. Các chương trình thiên về yếu tố trí tuệ hay tính nhân văn, dù có chỗ đứng nhất định nhưng có phần lép vế hơn. Việc xuất hiện Siêu trí tuệ Việt Nam có thể xem như làn gió mới.   

Trên thực tế, có một thời gian dài, công thức thành công của các chương trình truyền hình thực tế hay gameshow là có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng, có yếu tố hài hước và biết làm chiêu trò. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cán cân đó đã dần thay đổi. Ngay cả các chương trình về giải trí, khán giả vẫn yêu cầu yếu tố sạch sẽ, chỉn chu và đặc biệt là sự nhân văn. Đó là lý do làm nên thành công cho: Ký ức vui vẻ, Người bí ẩn, Sàn chiến giọng hát… Rõ ràng, nếu nội dung chương trình, đặc biệt là những người chơi đủ chất lượng, có câu chuyện truyền cảm hứng, sẽ không cần chiêu trò, lợi dụng scandal vẫn được khán giả yêu mến và ủng hộ. Sự khác biệt ấy sẽ làm nên thành công. Và khán giả cần nhiều hơn thế những chương trình như Siêu trí tuệ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục