Hụt nguồn dầu, ngư dân “treo tàu”

Nhiều ngày qua, dù đang vào cao điểm vụ khai thác trong năm, nhưng hàng loạt tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận, một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, phải nằm bờ vì không thể mua được dầu để ra khơi.

Tàu cá nằm bờ

Nhiều ngư dân địa phương, cho biết, tình trạng dầu khan hiếm đã diễn ra khoảng 5 ngày qua. Ghi nhận tại các cảng cá lớn ở tỉnh Bình Thuận như Phan Thiết, Thanh Hải (TP Phan Thiết), Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), hàng loạt tàu thuyền của ngư dân đang nằm xếp hàng ở bến vì không có nhiên liệu để ra khơi.

Nhiều ngư dân Bình Thuận đặt mua dầu ở nơi khác với giá cao ngất ngưởng
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Thuận, đến nay chưa phát hiện cây xăng nào có hiện tượng găm hàng, nguyên nhân do nguồn cung bị gián đoạn, dẫn đến dầu bị khan hiếm. Ngoài ra, do các kho tổng xăng dầu ở xa nên cần thời gian để di chuyển xăng dầu về cung cấp cho các đại lý xăng dầu ở địa phương.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân TP Phan Thiết cho biết, mặc dù các cây xăng đều thông báo hết dầu, nhưng nếu ngư dân có nhu cầu thì sẽ đặt cọc tiền cho các cây xăng, sau đó họ sẽ cung cấp nhưng phải chấp nhận giá cao. “Tôi đã liên hệ với những cây xăng trong tỉnh và đề nghị mua 4.000 lít dầu. Tuy nhiên, họ nói phải đặt cọc tiền và chấp nhận giá 27.000-28.000 đồng/lít dầu thì sẽ cung cấp. Với giá này chi phí đi biển tăng cao, không có lợi nhuận nên tôi chấp nhận cho tàu nằm bờ”, ông Đặng Tố (ngụ phường Hưng Long, TP Phan Thiết) cho biết.

Sáng 29-8, vợ chồng chị Trần Thị Huyền (ngụ xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) phải dậy từ sáng sớm mang can nhựa đi tới 5 cây xăng, nhưng không mua được lít dầu nào. Còn ông Nguyễn Văn Phan (ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết) chia sẻ: “Tàu của tôi cần 500 lít dầu để ra khơi, dù liên hệ nhiều nơi nhưng không mua đủ lượng dầu. Tôi liên hệ một cây xăng ở địa phương muốn mua 300 lít dầu, nhưng họ chỉ bán 240 lít với giá cao ngất ngưởng là 28.000 đồng/lít”. Sau khi mua được dầu, ông Phan phải bỏ ra thêm 700.000 đồng để thuê người vận chuyển về cảng Phan Thiết. Nếu tỉnh cả phí vận chuyển, ông Phan phải mua với giá 30.000 đồng/lít dầu. 

Việc thiếu hụt nguồn dầu đúng vào thời điểm khai thác chính vụ trong năm đã và đang khiến đời sống ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Không thiếu dầu

Ngày 29-8, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, để đảm bảo tăng cường nguồn cung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng cường sản xuất. Các nhà máy này đã đăng ký với Bộ Công thương về kế hoạch trong quý 3 là sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu, và trong quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu. Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022.

Cùng với lượng xăng dầu tồn kho, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520.000m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500.000m3. Theo tính toán, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước theo ước tính là 1,6-1,7 triệu m3/tháng. Như vậy, nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất.

Sớm điều tra việc kêu gọi đóng cửa hàng loạt

Khoảng 1 tuần gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số tài khoản cá nhân kêu gọi cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa, không bán xăng dầu với những lý do như càng bán càng lỗ, không có chiết khấu. Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, Phó cục trưởng Cục An ninh kinh tế, cho biết, Bộ Công an đã theo dõi sát tình hình. Đây là vấn đề gây bức xúc dư luận, lý lẽ đưa ra cho thông tin khan thiếu xăng dầu là do một số thương nhân bị rút giấy phép, chiết khấu thấp. Cục An ninh kinh tế sẽ tham mưu Bộ Công an sớm vào cuộc, điều tra, xác minh.

Tin cùng chuyên mục