Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010 đã quy định cấm và phạt đối với hành vi hút thuốc lá ở những nơi công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, các phương tiện giao thông công cộng, phòng đợi của nhà ga bến xe, sân bay, bến cảng… Thế nhưng, từ đó đến nay tại TPHCM việc hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra.
Xem thường quy định
Bệnh viện là nơi cần phải cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất, nhưng mặc dù có biển báo cấm, thậm chí có ghi rõ mức phạt tiền, hành vi hút thuốc lá trong bệnh viện vẫn diễn ra. Tại các bệnh viện Đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới và Nguyễn Tri Phương…, nhiều người có thể thấy không ít bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân vẫn thản nhiên hút thuốc trước ánh mắt lộ rõ khó chịu, bực bội của những người khác đang chịu không nổi khói thuốc lá, vậy mà không thấy ai đến nhắc nhở hay phạt.
Mặc dù ngay trước cổng Bệnh viện Từ Dũ có panô vận động không hút thuốc lá, nhưng nhiều người vẫn đứng hút thuốc trông thật phản cảm. Bên trong Trung tâm Y khoa Medic đang có công trình xây dựng, một số công nhân xây dựng vẫn hút thuốc xả khói mù mịt. Tại tầng 1 của trung tâm, nhiều người đến chờ khám bệnh vẫn lén hút thuốc, ném tàn rơi vãi xuống mái hiên nhà giữ xe phía dưới, vừa vi phạm nội quy tại trung tâm vừa gây nguy cơ cháy.
Các công viên Hoàng Văn Thụ, Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23-9 là lá phổi xanh của TP, nơi nhiều người đến thư giãn, tập thể dục, vậy mà nhiều người vẫn đến tụ tập hút thuốc. Ngay tại công viên 30-4, một số người còn chiếm dụng làm nơi bán cà phê, thuốc lá, nên có nhiều thanh niên ngồi uống cà phê và hút thuốc, ném tàn thuốc vung vãi. Ngay trong khuôn viên các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM vẫn có không ít người phì phèo thuốc lá.
Không có ai thực thi việc xử phạt?
Y học đã kết luận khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh về tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Tuy nhiên, trong khi việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, giá thuốc lá ở Việt Nam lại thuộc loại thấp nhất thế giới, nên đã tạo điều kiện cho người nghèo và thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận với việc hút thuốc lá hơn so với các quốc gia khác.
Điều 16 Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về mức xử phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào ở các nơi công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hoặc những nơi công cộng khác có quy định cấm.
Đồng thời cũng áp dụng mức phạt này đối với hành vi bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi. Thực tế rất dễ phát hiện các hành vi sai phạm này, nhưng do không có ai thực thi việc xử phạt nên quy định cấm hút thuốc nơi công cộng đã bị xem thường, không khả thi. Mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe. Theo quy định thì thanh tra ngành y tế và UBND các cấp ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra ngành y tế muốn thực hiện việc kiểm tra này thì phải có quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
Hơn nữa, từ khi Quyết định 1315/QĐ-TTg có hiệu lực đến nay, chưa thấy có thông tư hướng dẫn các địa phương phải triển khai kiểm tra xử phạt như thế nào. Chính quyền các địa phương rất lúng túng không biết thủ tục xử phạt, thu phạt như thế nào. Nếu như thu phạt tại chỗ thì cần phải có hướng dẫn chi tiết, ai thu, cưỡng chế thu phạt cách nào nếu như người vi phạm không chịu đóng tiền phạt. Cấm và phạt đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng là chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu xây dựng thành phố văn minh, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân.
Thế nhưng nếu không triển khai thực thi một cách đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt thì Quyết định 1315/QĐ-TTg sẽ không mang lại hiệu quả trong nỗ lực vì một thế hệ không hút thuốc lá.
| |
Anh Tuấn