Hủy hoại nguồn lợi thủy sản ven bờ

Hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven bờ vốn rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do ngư dân áp dụng lối đánh bắt theo kiểu tận diệt, đã khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ở một số tỉnh ven biển miền Trung bị hủy hoại và cạn kiệt nghiêm trọng…
Hủy hoại nguồn lợi thủy sản ven bờ

Hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven bờ vốn rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do ngư dân áp dụng lối đánh bắt theo kiểu tận diệt, đã khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ở một số tỉnh ven biển miền Trung bị hủy hoại và cạn kiệt nghiêm trọng…

Khai thác “ăn xổi ở thì”

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 4.200 chiếc tàu với tổng công suất trên 270.000CV. Trong đó, 855 tàu công suất từ 90CV trở lên, còn lại đa số là tàu công suất nhỏ nên chỉ hoạt động ven bờ. Đã vậy, nhiều ngư dân có thói quen đánh bắt cá bằng tàu giã cào, xung điện, thuốc nổ… khiến nguồn lợi thủy sản nhanh chóng bị cạn kiệt.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng thanh tra thủy sản tỉnh Quảng Nam phát hiện và xử phạt 28 trường hợp khai thác hải sản trái phép với số tiền trên 25 triệu đồng.

Trong khi đó, vùng biển ven bờ của Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung đang phải chịu quá nhiều tác động xấu, như ô nhiễm môi trường đã khiến đa dạng sinh học bị giảm sút. Ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, đánh giá: “Trong những năm qua, Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực từng bước giảm tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ, tăng số lượng tàu công suất lớn để vươn khơi khai thác xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay lượng tàu công suất nhỏ, sử dụng trang thiết bị, công nghệ khai thác lạc hậu vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, cường lực khai thác nguồn lợi ven bờ vẫn cao, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy - hải sản là không tránh khỏi”.

Trong khi đó ở Quảng Ngãi, nhiều ngư dân đánh bắt khu vực bãi ngang cũng trải qua mùa biển kém vui khi các loại ốc gạo, cá cơm, cá trích... ngày càng ít đi. Nguyên nhân do sự gia tăng lượng tàu giã cào công suất lớn nhưng lại đánh bắt sai tuyến, ngư dân sử dụng mắt lưới nhỏ để khai thác khiến hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng ven bờ suy kiệt nghiêm trọng. Ngư dân Đoàn Văn Minh (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) bức xúc: “Đội tàu giã cào hoạt động càn quét như thời gian qua đã làm nguồn lợi thủy sản ven bờ gần như cạn kiệt, nhiều loại thủy - hải sản biến mất. Hơn 10 năm trước, mỗi đêm ra khơi đánh bắt được hàng tấn cá, còn bây giờ chỉ được vài chục ký là may lắm rồi! Với đà này, không biết vài năm nữa sẽ lấy gì mà sống!”.

Ở huyện đảo Lý Sơn, một trong những vùng được đánh giá có nguồn lợi thủy - hải sản ven bờ khá phong phú nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, trong đó phải kể đến việc các phương tiện và điều kiện khai thác không theo đúng quy định. Trong tổng số 415 tàu thuyền của Lý Sơn, có đến hơn 300 tàu công suất nhỏ. Ngư dân hành nghề ven biển phần lớn là các hộ nghèo, trình độ dân trí chưa cao nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế; các hình thức khai thác mang tính “ăn xổi ở thì” vẫn diễn ra.

Chính cách đánh bắt kiểu hủy diệt của ngư dân đã khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm nghiêm trọng

Cần có quy chế bảo vệ

Để hạn chế tình trạng suy giảm nguồn lợi hải sản, ngành thủy sản của tỉnh Quảng Nam cũng như Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương ven biển, tập trung chuyển đổi nghề cho một bộ phận ngư dân sản xuất gần bờ; hỗ trợ con giống để ngư dân chuyển sang chăn nuôi hay giúp họ tiếp cận vay vốn từ ngân hàng chính sách để làm du lịch, dịch vụ; giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và Chính phủ để vay vốn ưu đãi, đóng tàu lớn vươn khơi… Tuy nhiên, thực tế và hiệu quả chưa như mong đợi do còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian tới để nguồn lợi thủy sản ven biển được bảo vệ và phát triển nên hạn chế tàu công suất nhỏ hơn 30CV càng nhiều càng tốt và cấm hành nghề giã cào ở ven bờ. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, tái tạo nguồn lợi bằng cách thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số hải sản đang cạn kiệt. Đồng thời nhanh chóng hướng dẫn, giám sát chặt chẽ các hoạt động nghề cá theo quy định về mùa vụ, luồng tuyến khai thác, đối tượng khai thác cho hợp lý hơn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo vệ các rạn san hô; quản lý hoạt động khai thác rong biển thông qua các lớp tập huấn để trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đề xuất nên có sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của ngành thủy sản mà nhiều ngành nghề cùng nhiều địa phương khác. Bởi bên cạnh chế tài xử phạt, cũng phải tìm kế sinh nhai bền vững cho ngư dân. Có như thế, hy vọng nguồn lợi thủy sản ven bờ mới có khả năng hồi phục.

ĐẮC THÀNH - NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục