Chỉ trong 2 tuần, tại khu vực 24 hộ dân ở lô 1.9 ấp 1 xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh TPHCM, có đến 7 trường hợp (với 6 trẻ em) mắc tiêu chảy cấp, trong đó 1 trẻ 10 tháng tuổi tử vong. Qua khảo sát thực tế của lãnh đạo Sở Y tế TPHCM ngày 22-7 tại khu vực này, đây là ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, đồng thời đang có nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh khác do điều kiện vệ sinh môi trường sống rất kém.
Trong ngôi nhà cũ với nhiều thế hệ sống chung, bà Phạm Thị Linh rưng rưng kể: “Trưa 14-7, đứa cháu nội trai Phạm Nghĩa Tình (10 tháng tuổi) ọc sữa, tiêu chảy nhiều lần. Gia đình đưa bé đi khám ở bác sĩ tư, bệnh không hết nên tự đi mua thuốc Tàu về uống. Chưa được 1 ngày đêm, cháu bé đi tiêu chảy 9 lần. Thấy cháu yếu dần, gia đình chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả thăm khám, cháu bé bị nhiễm trùng máu nặng, rồi tử vong ngay sau đó”. Cách đó ít căn, chị Trương Mỹ Phượng lo lắng: “Thấy xung quanh có nhiều người mắc bệnh tiêu chảy, nhưng cũng không tránh khỏi. Con trai Nguyễn Thanh Thông 10 tuổi kêu đau bụng suốt ngày 21-7, đi tiêu chảy rất nhiều lần, mất sức. Tôi phải nghỉ làm phụ hồ để ở nhà trông cháu”.
Quan sát điều kiện vệ sinh của hàng chục hộ dân tại đây, lãnh đạo các phòng ban chức năng của Sở Y tế TPHCM đều tỏ vẻ rất lo lắng. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, các hộ dân khu vực này sống trong điều kiện ao tù nước đọng. Trong nhiều năm liền, nhiều hộ sử dụng chung cầu tiêu đi xuống ao, dùng phân nuôi cá. Trên mặt nước, nhiều hộ làm chuồng chăn nuôi heo, gà, bồ câu, cũng xả phân xuống ao. Chưa kể, nhiều người mua thức ăn, nội tạng động vật về làm thức ăn cho cá, gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong nguồn nước ô nhiễm này, nhiều người dùng rửa tay chân, vật dụng trong nhà. Đây là nguy cơ rất cao lây nhiễm dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy.
Trong 9 mẫu nước xét nghiệm, lấy từ nơi cấp nước đến nhà hộ dân, có mẫu nước tại vòi hộ gia đình nhiễm E.coli. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân Trương Văn Hạnh, đây là khu vực người dân đến thuê đất của Nông trường Lê Minh Xuân để tạm trú, cất nhà, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc-gia cầm. Khu vực này nằm trong 2 dự án quy hoạch xây dựng nhà ở, nhưng dự án treo kéo dài nhiều năm. UBND xã đã vận động người dân tháo dỡ cầu tiêu trên ao, nhưng đến nay khu vực này đang bị ô nhiễm nặng, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, dịch bệnh phát sinh. Một cán bộ Sở Y tế TP cho rằng, đến nay vẫn còn nhiều hộ sử dụng cầu tiêu trên ao là điều đáng ngạc nhiên, bởi nhiều năm qua, hình ảnh này chỉ còn tồn tại ở một số khu vực vùng sâu của một số tỉnh ĐBSCL.
UBND xã Lê Minh Xuân vận động người dân tháo dỡ cầu tiêu trên ao, người dân xây cầu tiêu trong nhà rồi lắp ống… xả trở lại ra ao, vẫn tiếp tục ô nhiễm. Chưa kể nguồn cấp nước từ Trạm cấp nước Lê Minh Xuân 2 cách khu vực này rất xa, công suất 550m3/ngày, để cung cấp cho 306 hộ của xã. Đến khu vực này, nhiều hộ lắp đặt thêm đồng hồ cấp 1, cấp 2, cấp 3,… kéo ống nước cho nhiều hộ khác dùng. Từ đó, giá nước từ nguồn chỉ 3.300 đồng/m³ đến nhiều hộ tăng lên 40.000 đồng/m3. Nhiều gia đình khó khăn tiết kiệm nước, vẫn dùng nước ao tù ô nhiễm, rửa vật dụng trong nhà. Nguồn bệnh phát sinh từ đây và trẻ em là những nạn nhân đầu tiên.
Cùng ngày, trong buổi làm việc tại UBND huyện Bình Chánh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, với điều kiện môi trường ô nhiễm như trên thì không chỉ xảy ra bệnh tiêu chảy cấp, ngành y tế cũng không loại trừ sự hiện diện của bệnh tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản…
Sở Y tế TP đề nghị UBND huyện Bình Chánh cho tổng vệ sinh toàn khu vực đang có ổ dịch tiêu chảy, cấm chăn nuôi gia cầm; không khai thác - sử dụng thủy sản trong các ao cá trong thời điểm có dịch tiêu chảy; hỗ trợ - miễn phí nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân, hỗ trợ các hộ dân xây nhà vệ sinh tự hủy. Phía y tế dự phòng tăng cường giám sát ca bệnh, xét nghiệm mẫu nước thường xuyên, phát loa thông báo, hướng dẫn các hộ dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, nhằm ngăn chặn, dập tắt ổ dịch tiêu chảy cấp.
|
TRƯƠNG NGỌC