Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TPHCM, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố 50km. Diện tích tự nhiên hơn 70.400ha, trong đó, rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000ha. Với đặc điểm địa hình vùng trũng thấp, thổ nhưỡng là phèn và mặn chiếm 56,7% diện tích nên huyện Cần Giờ không có lợi thế sản xuất nông nghiệp, chỉ thích hợp với các loại hình dịch vụ du lịch, thủy sản - 2 ngành kinh tế chủ lực của huyện, tạo ra nguồn thu nhập cho phần lớn cư dân Cần Giờ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Lý Nhơn đã được TP chọn làm xã điểm xây dựng xã NTM giai đoạn 2010-2012 của huyện và nhân rộng 5 xã còn lại (trừ thị trấn Cần Thạnh), giai đoạn 2013-2015. Các xã đã hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng NTM, làm cơ sở để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Khi mới bắt đầu, huyện Cần Giờ có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng của huyện chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống giao thông, một số tuyến đường giao thông xóm ấp xuống cấp; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nhân dân; cơ sở vật chất trường học, văn hóa chưa đạt chuẩn; lợi thế về đất đai, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả; thu nhập dân cư thấp, 15 triệu đồng/người/năm, chênh lệch nhiều so với mức trung bình cả TP.
Qua 5 năm, huyện đầu tư xây dựng 382 công trình cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, chợ); đưa vào sử dụng 177 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có 3 công trình quy hoạch, 92 công trình giao thông, 29 công trình thủy lợi, 1 công trình điện, 26 công trình văn hóa và 26 công trình giáo dục, y tế. Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu được tập trung đầu tư xây dựng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Với nhận thức là người hưởng lợi trực tiếp nên người dân dễ đồng thuận chủ trương xây dựng NTM; xuất hiện nhiều phong trào, mô hình tham gia như hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và thu nhập gia đình; tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc… Huyện Cần Giờ huy động sự tham gia của người dân gần 8.000 ngày công lao động, 1.300 hộ dân tham gia hiến 28,1ha đất, tương ứng giá trị gần 48 tỷ đồng…
Qua 5 năm xây dựng, bộ mặt NTM huyện Cần Giờ thực sự thay đổi, chất lượng cuộc sống người dân đã được nâng lên. Điều này càng làm tăng thêm quyết tâm xây dựng nông thôn trên địa bàn toàn huyện, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM về đích vững chắc hơn. Cần Giờ đã được TPHCM gửi lên Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét là huyện đạt chuẩn NTM.
ĐĂNG LÃM