Huyện Châu Thành nâng cao chất lượng trái thanh long để xuất khẩu

Thời gian qua, cây thanh long đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân huyện Châu Thành (tỉnh Long An). 
Theo người dân, giá thanh long 8.000-10.000 đồng/kg hiện nay, người trồng vẫn có lời
Theo người dân, giá thanh long 8.000-10.000 đồng/kg hiện nay, người trồng vẫn có lời

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sản xuất thanh long (hơn 9.000ha) của người dân trong huyện chủ yếu theo truyền thống, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng tiêu chuẩn về mã số kho đóng gói... Trước thực tế này, huyện Châu Thành quyết tâm xây dựng mô hình điểm về nâng cao chất lượng trái thanh long để đẩy mạnh xuất khẩu.

Xây dựng mô hình điểm

Ông Lê Quốc Dũng, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Huyện đã có chủ trương và quyết tâm xây dựng mô hình điểm về nâng cao chất lượng trái thanh long đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Do đó, phải thực hiện đạt hai tiêu chí vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số, mục đích là nhằm nâng cao chất lượng trái thanh long tại nhà vườn và điều kiện của cơ sở đóng gói để xuất khẩu bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, cần phải tăng cường quản lý đăng ký các doanh nghiệp sản xuất đóng gói trái thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành có xuất khẩu sang thị trường các nước phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, Luật Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, Tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV (quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói)…

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu và bảo vệ sức khỏe người sử dụng, yêu cầu nhà vườn trồng thanh long, các cơ sở đóng gói thanh long thực hiện nghiêm quy trình sản xuất thanh long theo hướng sạch (GAP); đóng gói theo quy định của nước nhập khẩu, đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV và Tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV; đồng thời đảm bảo thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 với sự hướng dẫn chuyên môn của cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện, xã.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết, trước mắt, huyện kết hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Long An xây dựng 2 mô hình điểm, dự kiến chọn HTX thanh long Long Hội ở xã An Lục Long và HTX nông nghiệp Thanh Phú Long ở xã Thanh Phú Long để thực hiện mô hình điểm.

Theo đó, xây dựng hoàn thiện mô hình thiết lập giám sát vùng trồng và giám sát cơ sở đóng gói để làm điểm. Nếu đạt các tiêu chí thì sẽ nhân rộng các mô hình này. Cụ thể, thiết lập giám sát vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn 774:2020/BVTV; hướng dẫn nhà vườn trồng thanh long (xã viên HTX) sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thiết lập mã số giám sát vùng trồng theo tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời, hoàn thiện cấp chỉ dẫn địa lý quả thanh long “Châu Thành - Long An” cho diện tích của xã viên HTX tham gia thực hiện mô hình; thiết lập giám sát cở sở đóng gói theo tiêu chuẩn 775:2020/BVTV…

Đối với trái thanh long sạch nhưng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu thì chuyển sang làm nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm như: rượu thanh long, thanh long sấy dẻo, nước ép… Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái thanh long theo hướng bền vững.

“Qua mô hình làm điểm, ai làm tốt thì phát huy nhân rộng, ai làm không đạt thì yêu cầu ngưng cấp mã số, không cho trồng thanh long nữa. Mục đích là để giữ thương hiệu thanh long Châu Thành nói riêng, cho Long An nói chung”, ông Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.

“Sống chết” với cây thanh long

Thời gian gần đây, giá thanh long luôn ở mức thấp, thậm chí có lúc bán không ai mua. Nhiều người ngậm ngùi bỏ vườn hoang không quan tâm chăm sóc, hoặc phá bỏ vườn để trồng các loại cây khác… Tuy vậy, phần đông người trồng thanh long ở huyện Châu Thành vẫn quyết tâm “sống chết” với cây thanh long. Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Nhanh ở xã Phước Tân Hưng.

Với vườn thanh long già cỗi (gần 2ha), giá cả cũng xuống thấp, gia đình ông Nhanh nhiều lần định phá bỏ để trồng các loại cây khác (mai, dừa…) như nhiều nhà trong xóm đã làm, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ lại.

“Cây gì cũng vậy, giá cả có lúc cao lúc thấp, nên đã trồng thanh long rồi thì quyết theo nó luôn. Ai phá bỏ thì cứ phá bỏ, còn gia đình tôi thì vẫn duy trì trồng thanh long”, ông Đặng Văn Nhanh nói. Có điều, theo ông Nhanh, muốn cây thanh long sống được là phải thay đổi cách trồng theo hướng VietGAP, GlobalGAP, chứ làm theo cách cũ là khó tồn tại được.

Không chỉ ông Nhanh, nhiều gia đình trồng thanh long ở huyện Châu Thành cũng có cách nghĩ trồng thanh long sạch như thế. Cho nên khi nghe huyện Châu Thành triển khai mô hình điểm nâng cao chất lượng trái thanh long để xuất khẩu, người dân ai nấy cũng phấn khởi. Họ hy vọng mô hình sẽ thành công, sẽ được nhân rộng ra toàn huyện, thì cây thanh long sẽ tiếp tục giúp người dân làm giàu như thời gian trước đây.

“Mô hình này sẽ được triển khai thực hiện chặt chẽ. Đây là hướng đi lâu dài, bền vững cho sự phát triển của cây thanh long. Tất cả cùng đồng lòng làm thì tôi tin là sẽ thành công. Cái khó nhất là làm sao để cho dân mình thấy được chất lượng trái thanh long là hàng đầu, rồi liên kết lại cùng làm thì mới được, chứ sản xuất với cách cũ như lâu nay thì rất khó thành công”, Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lê Quốc Dũng, nhấn mạnh.

Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Long An có hơn 10.000ha, riêng huyện Châu Thành chiếm hơn 9.000ha, trong số này có hơn 800ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Châu Thành, dù đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, làm chuẩn quy trình VietGAP, GlobalGAP cho vùng trồng thanh long, nhưng việc vận động nông dân nâng cao chất lượng trái thanh long còn gặp nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục