Huyền thoại một nữ điệp viên

Đã bước sang tuổi 80 nhưng người phụ nữ mang tên Mười Ký (SN 1930 ở TP Buôn Ma Thuột, tên thật là Nguyễn Thị Ký) vẫn phảng phất một vẻ đẹp mặn mà. Tham gia kháng chiến ở vùng hậu cứ địch trong suốt hơn 20 năm, cùng với nhan sắc và tài trí của mình, bà là một trong những cơ sở binh vận quan trọng nhất nội thành Buôn Ma Thuột trong giai đoạn 1962-1975. Cuộc đời làm cách mạng của bà lấp lánh những chiến công nhưng cũng đầy những gian khổ, hy sinh.
Huyền thoại một nữ điệp viên

Đã bước sang tuổi 80 nhưng người phụ nữ mang tên Mười Ký (SN 1930 ở TP Buôn Ma Thuột, tên thật là Nguyễn Thị Ký) vẫn phảng phất một vẻ đẹp mặn mà. Tham gia kháng chiến ở vùng hậu cứ địch trong suốt hơn 20 năm, cùng với nhan sắc và tài trí của mình, bà là một trong những cơ sở binh vận quan trọng nhất nội thành Buôn Ma Thuột trong giai đoạn 1962-1975. Cuộc đời làm cách mạng của bà lấp lánh những chiến công nhưng cũng đầy những gian khổ, hy sinh.

Chở “hàng cấm” trong nội thành

Mười Ký thuở thanh xuân...

Mười Ký thuở thanh xuân...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 15 tuổi, Mười Ký đã tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong cứu quốc của thị xã Buôn Ma Thuột. Từ năm 1955, cô chính thức hoạt động binh vận, tiếp tế và gây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn hai tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông.

Năm 1962, cơ sở cách mạng ngay tại nhà cô trên đường Nguyễn Thái Học bị lộ, người anh rể bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Mười Ký cùng chồng là Lê Văn Tôn (SN 1920, cơ sở của ta tại thị xã Buôn Ma Thuột) và con trai lớn Lê Quang Thái phải chuyển cơ sở, sau một thời gian mới quay về Buôn Ma Thuột để tiếp tục hoạt động.

Giai đoạn này, Mười Ký nổi tiếng là một nhà buôn giàu có, xinh đẹp và có thế lực. Gia đình Mười Ký có xe tải riêng để chở hàng hóa, muối, gạo, thực phẩm… từ Nha Trang về Buôn Ma Thuột và từ Buôn Ma Thuột cung ứng cho các huyện, kể cả vùng biên giới dọc Campuchia. Mười Ký lại thân quen với hầu hết các quận trưởng, kể cả tỉnh trưởng, có giấy phép thông hành hợp pháp, đặc biệt là giấy tờ tùy thân để đi vào vùng biên giới Buôn Đôn, Ea Súp. Do đó xe của “chị Mười” chở hàng hóa ra vào nội thị và các huyện một cách dễ dàng.

Nhờ vậy mà trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Mười Ký là người đã vận chuyển hàng tấn muối, hàng chục tấn gạo và nhiều tài liệu, vũ khí, giấy, đèn pin, thực phẩm… để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công tại Buôn Ma Thuột. Không chỉ dùng xe nhà để chở “hàng cấm”, Mười Ký còn móc nối cả với một số chỉ huy và anh em lái xe trong trong Đại đội Vận tải 23 để chuyển hàng từ đồng bằng lên Buôn Ma Thuột, thậm chí lợi dụng chính xe nhà binh của địch để chở muối, hàng quốc cấm ra khỏi vùng kiểm soát.

Một lần, Mười Ký lợi dụng xe cứu thương của chính đoàn xe nhà binh để chở hai tấn muối ra khỏi nội thành Buôn Ma Thuột. Đến khu vực km52 thì xe gặp một vụ tai nạn, người bị thương khá nhiều. Lúc này, xe cứu thương buộc phải làm nhiệm vụ chở số người bị thương kia quay ngược trở vào TP để cấp cứu. Quân cảnh đi theo áp tải phía sau liền phát hiện ra Mười Ký cùng toàn bộ hai tấn muối trên xe. Bị lộ, toàn bộ số hàng trên và cả người, xe đều bị bắt.

Mười Ký buộc phải nhờ đến sự can thiệp của trung tá Lê Văn Thành, Tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc lúc bấy giờ, cũng là một trong những người say mê sắc đẹp của cô. Rất may cho Mười Ký, số hàng trên bị phát hiện khi đang trên đường vận chuyển ngược vào nội thành, do đó Mười Ký có cái lý của người đi buôn bán kiếm lời chứ không phải chở muối ngược ra rừng tiếp tế cho cộng sản. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau cuộc điện thoại của tỉnh trưởng Lê Văn Thành, xe muối của Mười Ký được thả, sau đó được người của ta đưa về căn cứ an toàn.

Một lần khác, chuyến hàng chở gạo ra căn cứ Phú Bổn của ta do đồng chí Năm Thưởng và Hồ Danh áp tải cũng gặp tai nạn tương tự. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng khi xe chạy đến Buôn Hồ, hàng vẫn bị lộ, xe bị bắt giữ. Năm Thưởng lập tức đón xe đò về báo tin cho Mười Ký. Mười Ký xuống gặp quận trưởng Buôn Hồ nhận hàng và với sự lanh lẹ và “tài” quan hệ của mình, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, xe được thả. Sau đó chuyến hàng ấy lại còn được xe của địch hỗ trợ đưa đi đến tận nửa đường.

Còn biết bao nhiêu lần khác, trên chở dầu, dưới chở vũ khí; trên là bánh kẹo, phía dưới là truyền đơn… Mười Ký đã vận chuyển nhiều tấn muối, gạo, mực in, thuốc nổ, súng đạn, truyền đơn ra rừng, vào phố ngay trước mắt  quân thù như thế. Bạn bè đồng chí hôm nay còn nhắc mãi một lần vào cuối năm 1967, bị mật vụ bao vây, bám đuổi cả bốn phương nhưng Mười Ký vẫn bình tĩnh, gan dạ thoát khỏi sự bám đuổi của mật vụ để đem tài liệu về trót lọt, an toàn vào đúng giờ G. Không chỉ buôn bán thực phẩm, hàng hóa, Mười Ký còn có cả những chuyến tham gia săn bắt voi cùng với đồng bào bản địa và buôn bán cả voi. Gia đình Mười Ký có 2 con voi trưởng thành cũng đều đem hiến cả cho cách mạng để tải thồ hàng hóa dọc bờ sông Sêrêpốc, khu vực thuộc biên giới Buôn Đôn, Ea Súp ngày nay.

Son sắt với cách mạng

... và bà Mười Ký hiện nay.

... và bà Mười Ký hiện nay.

Năm 1968, cơ sở cách mạng của Mười Ký bị vỡ lần thứ hai, cả hai vợ chồng bà và người con trai lớn đều bị bắt. Chồng và con trai bị đày đi Côn Đảo. Riêng Mười Ký cũng bị giam qua hết Nhà đày Buôn Ma Thuột đến Quân lao Nha Trang. Năm 1969, được tin Bác Hồ mất, Mười Ký cùng các chị em bạn tù ở phòng nữ chính trị Quân lao Nha Trang tổ chức lễ truy điệu, lập bàn thờ và để tang Bác Hồ. Địch biết tin, xuống đàn áp, riêng “người cầm đầu” là Mười Ký bị đánh sụp sống mũi và bị bắt nhốt vào “lò bánh mì”.

Tù đày mãi đến năm 1972, không đủ bằng chứng để kết tội, Mười Ký được phóng thích. Ra tù, Mười Ký tiếp tục bắt liên lạc với cách mạng, tham gia tiếp tế để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột vào tháng 3-1975. Giai đoạn này, vợ chồng Mười Ký - Lê Văn Tôn tiếp tục gây dựng được ảnh hưởng và mối quan hệ “thân tình” với nhiều nhân vật chủ chốt trong quân đội ngụy. Trung tá Tỉnh trưởng, Thiếu tá Tổng hành dinh sư đoàn chủ lực… thường xuyên qua lại, nhậu nhẹt tại gia đình của vợ chồng bà. Và trong những lần “chén tạc chén thù” ấy, các tin tức bí mật, lệnh điều động quân cho những trận càn lớn… đều được vợ chồng Mười Ký khai thác và báo cáo kịp thời cho tổ chức. Trận đánh lớn của địch tại Pleiku năm 1975 được ta biết trước và kịp thời chuẩn bị cũng nhờ công rất lớn của vợ chồng bà.

Nhắc đến Mười Ký hôm nay, bạn bè, đồng chí đều kể về bà với những câu chuyện ly kỳ. Tất cả đã làm nên một huyền thoại về nữ điệp viên Buôn Ma Thuột tài sắc.

CÔNG HOAN - THANH THÚY

Tin cùng chuyên mục