Hy Lạp bắt tay chống khắc khổ

Ngày 29-1, thị trường tài chính Hy Lạp chao đảo sau khi tân Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố thực hiện hàng loạt biện pháp chống khắc khổ. Hãng đánh giá tín dụng Standards & Poors (S&P) đã thông báo sẽ xem xét khả năng hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với Hy Lạp vốn hiện đang ở mức “B”.
Hy Lạp bắt tay chống khắc khổ

Ngày 29-1, thị trường tài chính Hy Lạp chao đảo sau khi tân Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố thực hiện hàng loạt biện pháp chống khắc khổ. Hãng đánh giá tín dụng Standards & Poors (S&P) đã thông báo sẽ xem xét khả năng hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với Hy Lạp vốn hiện đang ở mức “B”.

Liệu chính phủ mới của Thủ tướng Tsipras có xóa nổi gánh nặng nợ công của Hy Lạp?

Cơ cấu lại mọi lĩnh vực

Các chính sách mới được ông Tsipras đưa ra chỉ 2 ngày sau khi nhậm chức, liên quan đến các chính sách chi tiêu khắc khổ theo gói cứu trợ quốc tế trị giá 240 tỷ EUR. Cụ thể, tân Thủ tướng Alexis Tsipras đã bãi bỏ một loạt dự án tư nhân hóa chủ chốt, đồng thời thúc đẩy các cuộc thương lượng với các chủ nợ nước ngoài nhằm giảm gánh nặng nợ công, hiện chiếm tới 175% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Chính phủ mới của ông Tsipras cũng ngừng các kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm về bán phần lớn cổ phần tại cảng Piraeus và Thessaloniki, đồng thời dừng việc tư nhân hóa các tập đoàn điện và dầu mỏ hàng đầu của Hy Lạp. Ngày 29-1, Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu chính phủ mới của Hy Lạp phải bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO). Quyết định ngừng các kế hoạch trên sẽ gây hại cho COSCO vì đã thuê phân nửa cảng Piraeus của Hy Lạp trong vòng 35 năm với giá 3,4 tỷ EUR.

Ngoài ra, chính phủ mới còn có kế hoạch khôi phục việc làm cho lực lượng lao động bị sa thải không lý do trong các khu vực công trước đây, tuyên bố sẽ tăng mức lương hưu cho người nghỉ hưu có thu nhập thấp… Tuy nhiên, các biện pháp của của chính phủ mới ở Athens đã gây nên những phản ứng tiêu cực. Thị trường tài chính nước này đã biến động lớn với việc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, cũng như trái phiếu chính phủ giảm giá mạnh. Lĩnh vực ngân hàng chịu tác động mạnh nhất khi giá trị cổ phiếu của một số ngân hàng mất giá đến 30%. Chỉ số chứng khoán Hy Lạp ASE giảm khoảng 9% trong ngày 28-1. Kể từ sau chiến thắng của đảng cánh tả Syriza trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn cuối tuần qua, giá trị cổ phiếu Ngân hàng quốc gia Hy Lạp (NBG) đã giảm tới 59%. Cổ phiếu của hai ngân hàng lớn khác là Alpha Bank và Ergasias cũng giảm lần lượt 43% và 41%. Trái phiếu chính phủ Hy Lạp cũng bị các nhà đầu tư bán tháo, làm lợi tức của trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng thêm 0,92% lên 10,15%. Phản ứng tiêu cực xuất phát từ cảnh báo trước đó, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp khẳng định, nếu chính phủ mới đi ngược lại khuôn khổ gói cứu trợ hiện nay Hy Lạp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt.

Chờ đợi cuộc thương thảo tháng 2

Trong lúc này, các nhà lãnh đạo thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn đang suy đoán về việc Hy Lạp liệu có rút khỏi khối liên minh 19 nước trong tháng này hay không. Tuy nhiên, theo giới quan sát, không dễ dàng gì để ông Tsipras có thể rút lui khỏi eurozone.

Ngay sau khi Thủ tướng Tsipras nhậm chức, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có lời mời ông tới Paris với mong muốn thuyết phục chính phủ mới này giữ nguyên các cam kết. Trong khi Pháp vỗ về, thì các quan chức cấp cao của Đức đe dọa sẽ cắt các gói cứu trợ trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đã đặt thời điểm tháng 2 năm nay làm hạn chót để Hy Lạp thực hiện những cải cách hơn nữa, nhằm đổi lấy khoản cứu trợ tài chính 7 tỷ EUR (7,8 tỷ USD) từ liên minh gồm 28 thành viên này và từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, tân Thủ tướng Tsipras đã phản đối thời hạn này và cho rằng đó là điều vô nghĩa. Dự báo, các cuộc thương thảo về khoản viện trợ cuối cùng trong tháng 2 tới có thể sẽ kéo dài hơn vì các đối tác của Hy Lạp sẵn sàng tạo điều kiện cho chính phủ mới có thời gian đi vào hoạt động.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục