Chính phủ mới ở Hy Lạp vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng suy thoái kinh tế của nước này đang ngày càng tồi tệ, đúng vào thời điểm các kiểm toán viên của Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến Athens bắt đầu quá trình đánh giá năng lực tài chính và tiến độ thực hiện những điều kiện trong khuôn khổ gói cứu trợ.
GDP tiếp tục giảm sâu
Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras cho biết, nền kinh tế vốn đã ốm yếu của Hy Lạp có thể sẽ giảm tăng trưởng 6,7% trong năm 2012, cao hơn nhiều so với mức 4,5% dự báo trước đó. Năm 2011, GDP Hy Lạp đã giảm 6,9%. Dẫn các số liệu đáng báo động của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kế hoạch (KEPE), ông Staikouras cho rằng nền kinh tế Hy Lạp đang ở vào thời điểm nguy cấp.
Đây thật sự là thông tin không mấy tốt lành vào thời điểm hiện nay. Một chính phủ liên minh mới được thành lập vốn cũng rất mong manh đang phải bước vào các cuộc thương lượng khó khăn với các chủ nợ là bộ ba ECB, EU và IMF nhằm tìm cách sửa đổi những điều kiện cho vay đã được thỏa thuận cho nước này. Năm nay, Hy Lạp sẽ phải thông qua một gói giải pháp mới nhằm tiết kiệm thêm 11,5 tỷ EUR vào năm 2012 và 2013.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã nêu ra một số biện pháp, trong đó có đóng cửa một số cơ quan công quyền, chuẩn bị dự luật về thuế, áp dụng những thay đổi đã được thông qua trên thị trường lao động, giảm chi tiêu trong lĩnh vực y tế, mở cửa thị trường. Ông Samaras cam kết sẽ công bố chương trình hành động của chính phủ trước Quốc hội vào ngày 6-7.
Tuy nhiên, việc cắt giảm thật sự không hề dễ dàng khi thủ lĩnh đảng Xã hội (Pasok), 1 trong 3 đảng tham gia chính phủ liên minh Hy Lạp, ông Evangelos Venizelos, nhấn mạnh không có chuyện sa thải công chức trong bộ máy nhà nước. Người dân Hy Lạp cũng đã mất 25% bình quân thu nhập đầu người nên việc giảm lương người lao động và hưu trí, tăng thuế đối với người dân dường như bất khả thi.
Chủ nợ gây sức ép
Đánh giá những chỉ số kinh tế là một phần công việc của các kiểm toán viên bộ 3 chủ nợ của Hy Lạp trong thời gian tới. Các kiểm toán viên sẽ đưa ra kết luận liệu chương trình cứu trợ Hy Lạp có nên tiếp tục và khi nào thì giải ngân tiền cứu trợ.
Nhiệm vụ của các kiểm toán viên sẽ kết thúc ngày 22-7 và các cuộc thương lượng nhằm cập nhật kịp thời thỏa thuận đã ký hồi tháng 3 bởi chính phủ tiền nhiệm của Hy Lạp sẽ chỉ bắt đầu từ ngày 24-7.
Hiện áp lực lớn nhất đối với Hy Lạp là thời gian. Ngày 20-8 là thời điểm đến hạn Hy Lạp phải trả nợ trái phiếu được ECB mua. Các chủ nợ giữ quan điểm rất cứng rắn cho rằng nước này phải tôn trọng các điều kiện đặt ra mà không được kéo dài sự chậm trễ. Thành viên ban lãnh đạo ECB Jorg Asmussen đã lên tiếng cảnh báo việc chậm trả nợ dẫn tới nhiều nguy cơ như tỷ lệ nợ của Hy Lạp vào năm 2020 có thể vượt ngưỡng 120% GDP, mức giới hạn trước khi tuyên bố phá sản.
Trước đó, ông Horst Reichenbach - Trưởng nhóm đặc trách về Hy Lạp của Ủy ban châu Âu (EC), khẳng định hoạt động kiểm tra giám sát của “bộ ba” là rất quan trọng và yêu cầu chính phủ mới ở Hy Lạp tuân thủ chặt chẽ các cam kết. Theo ông, sẽ không có bất cứ giải pháp dễ dàng nào đối với trường hợp Hy Lạp và điều quan trọng là Athens cần chi trả ngay những khoản nợ đang tích tụ.
| |
Đỗ Văn (Tổng hợp)