Hy vọng

MAI HƯƠNG
Hy vọng

Ngày 27-2-2009, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Hòa giết vợ (chị N.T.T.H.) dã man bằng cách tưới xăng thiêu sống giữa đường. Tại phiên tòa, bên hàng ghế dành cho gia đình người bị hại, có 4 đứa trẻ mang họ khác nhau, độ tuổi khác nhau, tâm trạng cũng khác nhau nhưng cùng gọi người đàn bà bị giết là mẹ. Chính cuộc đời và tâm sự của chúng đã khiến tôi day dứt, hơn cả tình tiết rùng rợn, dã man của vụ án…

Kỷ niệm về người mẹ

Một ngày sau phiên xét xử, tôi tìm gặp Đặng Minh Tùng, đứa con trai thứ 2 của người phụ nữ vắn số tại quán trà trước cổng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM. Giờ này năm ngoái, Tùng còn là học sinh lớp 12A2 của trường. Đó là một cậu bé nhạy cảm, sâu sắc đến mức già trước tuổi. Những kỷ niệm về mẹ, với em chỉ là những mẩu ký ức ngắn ngủi, rời rạc và lặng buồn. Sau khi sinh Tùng được 1 tháng 3 ngày, mẹ em bỏ đi. Cha cũng không tin Tùng là con ruột. May mà bà nội chạy qua ngó thấy thằng nhỏ giống ông nội quá nên mới bồng về nuôi. Một thời gian sau, cha bỏ đi lấy vợ khác. Bà nội nghèo, nuôi cháu bằng nồi phá lấu bán ở ga Hòa Hưng.

Cha không cho nhắc đến mẹ. Mẹ cũng chẳng lần nào về thăm Tùng, chỉ nghe nói là mẹ có chồng. Năm Tùng học lớp 3, có người hàng xóm rỉ tai là mẹ em bán xăng, thuốc lá trước cổng trường. Em trốn học đi tìm mẹ. Mẹ không khóc, cũng không ôm chầm lấy Tùng như em hằng tưởng tượng. Mẹ chỉ ngoắc em tới và hỏi một câu: “Có hút thuốc không?” rồi mở tủ lấy ra gói ba số. “Lúc đó, em nói là không biết hút rồi chạy về. Lần gặp đầu tiên ấy, lời nói duy nhất, món quà duy nhất ấy của mẹ, tới lớn, tới già, tới chết em cũng không quên. Từ đó về sau, không lần nào em được gặp mẹ nữa”- Tùng nói, mắt rươm rướm.

Mẹ và những đứa con của người phụ nữ bị chồng thiêu sống, tại phiên tòa ngày 27-2-2009. Từ trái sang: Thanh Huy, Minh Tùng, bà Đốm và Thanh Hoàng. Ảnh:MAI HƯƠNG

Mẹ và những đứa con của người phụ nữ bị chồng thiêu sống, tại phiên tòa ngày 27-2-2009. Từ trái sang: Thanh Huy, Minh Tùng, bà Đốm và Thanh Hoàng. Ảnh:MAI HƯƠNG

Tùng học khá giỏi, tháng nào cũng được lãnh thưởng. Thế nhưng  khi em càng lớn, nồi phá lấu của bà nội càng không còn đủ nuôi em ăn học. Năm lớp 8, vì không có tiền đóng học phí, em bị chuyển từ lớp bán trú sang lớp học một buổi. Rồi tiền học lớp một buổi cũng không có mà đóng. “Lúc đó, mấy lần em tới nhà xin tiền cha mà không được. Tới khi tiền học phí thiếu đến tháng thứ 8 thì em mắc cỡ với cô giáo, với bạn bè quá nên bỏ học luôn”- Tùng nhớ lại.

Từ một học sinh khá giỏi, em theo đám bạn ăn chơi lêu lổng. Không việc gì là em không dám làm: Từ nhậu nhẹt, đánh bài cho tới ăn cắp, ăn trộm, giựt đồ. May mà Tùng gặp được một người tốt, khuyên em trở về nhà. Tùng về, bà nội lại gom góp, mượn tiền cho đi học lại.

Tùng thi đậu vào Trường THPT Nguyễn Du rồi lại thi rớt đại học. “Khi biết kết quả, em sốc nặng nhưng rồi quyết chí thi lại. Không còn chỗ nào để xin tiền luyện thi, Tùng tìm đến nhà cha một lần nữa. “Cha nói em muốn có tiền học thì tự bán xe mà xài. Bữa đó, em đi cùng một thằng bạn. Lúc 2 đứa chở nhau về, nó tức giùm em mà bật khóc. Còn em thì không hiểu sao không khóc được…”- Tùng nói.

Mồ côi 2 lần

Tôi đi tìm Na, đứa con gái đầu lòng của chị H. Đoạn cuối của con hẻm 571, thuộc khu phố 1, phường 15, quận 10 TPHCM, có chỗ hẹp đến mức chỉ vừa đủ để 1 người đi bộ. Hồi chị H. còn sống, Na ở đây với mẹ, trong một căn nhà thấp, ẩm và thiếu ánh sáng mặt trời. Na không có ở nhà.

Bà Nguyễn Thị Đốm, mẹ chị H., bà ngoại Na, kể: “Sinh con Na được ít tháng, mẹ nó bỏ vô Sài Gòn, để nó lại Huế cho tui nuôi. Sau đó, mẹ nó lấy ba thằng Tùng, sinh thằng Tùng. Hai vợ chồng không ở được, nó để thằng Tùng lại cho bên nội, lấy tiếp một người nữa, sinh thêm 2 đứa nhỏ là Thanh Huy và Thanh Hoàng rồi lại chia tay người đàn ông đó, về ở với tên Hòa cho đến ngày bị Hòa giết chết. Năm thằng Hoàng học lớp 3, mẹ nó gửi luôn 2 đứa Huy, Hoàng vào chùa rồi rước tui với con Na vô Sài Gòn ở”.

Cũng theo lời bà Đốm, dù ở chung nhưng Na và mẹ không hợp nhau. Ngày còn nhỏ,  Na thường bị mẹ chửi mắng, có khi bị cởi hết đồ ra đánh đòn. Năm 15 tuổi, không ở được với mẹ, Na đi giúp việc nhà cho người ta kiếm tiền. Bây giờ, Na đang đi học uốn tóc. Nó lầm lũi, ít nói, không muốn kể với ai về cuộc đời mình.

Trong giờ nghị án của phiên tòa ngày hôm ấy, bé Huy ngồi co ro trên chiếc ghế dài ở cuối hành lang. Em lí nhí kể rằng suốt cả tuổi thơ sống ở chùa, Huy và Hoàng chỉ mong ngóng nhanh đến kỳ nghỉ hè vì lúc đó, hai anh em mới được mẹ lên thăm… Lần cuối cùng em gặp mẹ là hè năm ngoái. Mẹ ở lại ngủ với em một đêm rồi dắt ra chợ mua cho một đôi giày. Cũng tại phiên tòa hôm ấy, Hội đồng xét xử không thể buộc bị cáo Nguyễn Hòa cấp dưỡng cho những đứa con của chị H. bởi vì trong khai sinh của chúng không ghi tên chị H. là mẹ. Chị rời con khi chưa kịp làm cho chúng cái giấy khai sinh.

Ngay cả những cái tên rất đẹp: Thanh Huy, Thanh Hoàng cũng do một người hảo tâm nào đó đặt cho chúng. Huy cho tôi hay sau phiên tòa này, 2 anh em sẽ đón xe về chùa, nương nhờ sự cưu mang của các ni sư. Cuộc sống của các em, so với ngày còn mẹ, cũng không có gì thay đổi, có chăng chỉ là thêm 2 chữ... mồ côi!

Hé lộ mầm xanh

Hôm gặp Tùng, em khoe với tôi là vừa kiếm được 300.000 đồng tiền công khiêng 200 bộ bàn ghế từ lầu 3 xuống tầng trệt ở Trường THPT Nguyễn Du. Từ ngày bị cha từ chối cho tiền đi học, Tùng quyết chí đi làm kiếm tiền. Ai kêu gì làm nấy: từ khuân vác, dạy kèm, chở đồ…

Tùng tâm sự: “Em đăng ký luyện thi đại học ở trung tâm, hiện còn thiếu hơn 2 triệu đồng học phí nên phải ráng đi làm. Hôm trước, thầy giáo dạy toán năm lớp 9 ở Trường THCS Diên Hồng hứa sẽ ráng lo cho em 1-2 năm nếu em đậu đại học. Năm ngoái, em rớt đại học, chỉ đủ điểm vào học cao đẳng marketing nhưng em không học. Em muốn thi vào trường đại học kinh tế, học chuyên ngành về kinh doanh hay chứng khoán. Hôm dự phiên tòa xử vụ giết mẹ, em mới biết mặt chị Hai và các em. Em muốn học lên cao để sau này lo cho bà nội, bà ngoại và mấy đứa nhỏ…”.

Tùng kể chuyện, giọng đều đều. Tôi ngồi nghe mà tự nhiên ứa nước mắt. Không phải tôi xót xa cho Tùng và những chị em cùng mẹ khác cha của Tùng, mặc dù các em đã bơ vơ ngay cả khi còn mẹ. Tôi khóc vì Tùng cho tôi thấy trong bi kịch gia đình ấy, đã hé mở một kết thúc có hậu! Tôi hy vọng là em thực hiện được ước nguyện. Hy vọng là những người tốt trên đời sẽ hỗ trợ em thực hiện được ước nguyện... Trái đắng gieo trên đất cằn vẫn có thể sinh ra quả ngọt.

Bạn đọc, nếu có dịp lang thang trên mạng, vào “chat”  trên Yahoo Messenger, nếu gặp một nickname có tên “hay_tin_toi_mot_lan_nua_thoi”, thì đó là Tùng. Em mong mọi người tin mình. Nhìn vào ánh mắt quyết tâm của Tùng, tôi tin em!

“Nếu chị hỏi em có thương mẹ không, em không biết trả lời thế nào cho đúng. Tình cảm là cái gì đó phải có sự vun đắp lâu dài. Lúc trước, em giận mẹ lắm. Mẹ-đối với em, không hơn gì một từ có 2 âm tiết gồm chữ “m”, chữ “e” và dấu nặng ghép lại với nhau. Nhưng bây giờ thì em không còn giận nữa và tự nói với mình rằng hãy xem đó như một sự cố trong cuộc đời. Hôm mẹ chết trong bệnh viện, em là con trai trưởng nên được gọi lên nhận xác. Mẹ chết mà mắt vẫn mở trừng trừng. Em đã vuốt mắt cho mẹ. Từ khóe mắt chảy ra một dòng nước trong. Sau ngày mẹ mất, em vẫn đến nhà thắp nhang cho mẹ và thăm ngoại…”, Tùng tâm sự.

ĐOÀN MAI HƯƠNG