Một năm trước (4-6-2009), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại Đại học Cairo, Ai Cập, cam kết về “một khởi đầu mới” trong mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo. Vào thời điểm đó, đường phố tại Cairo tràn ngập những chiếc áo thun in hình Tổng thống Mỹ trong khi trên khắp các quốc gia đạo Hồi “thích thú” với tên đệm Hussein đậm chất Hồi giáo của ông Obama.
Nhưng một năm sau rất nhiều người dân tại Ai Cập và phần còn lại của Trung Đông đều cho biết họ đang dần mất hết hy vọng vào ông Obama khi những thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực gần như con số 0 tròn trĩnh. Số người chết tại Afghanistan không giảm, bất ổn tiếp tục hiện diện tại Iraq, không hề có hướng giải quyết cụ thể nào cho vấn đề nhà tù Guantanamo và tiến trình hòa bình Israel-Palestine vẫn vô cùng mờ mịt.
Vụ tấn công của Israel vào các tàu chở hàng cứu trợ người dân tại Dải Gaza trên hải phận quốc tế hôm 31-5 làm 20 nhà hoạt động nhân đạo thiệt mạng đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. So với các nhà lãnh đạo khác, ông Obama phản ứng về vụ việc này vô cùng “yếu ớt”. Điều đó càng khiến cộng đồng thế giới tin rằng Mỹ luôn ủng hộ Israel vô điều kiện.
Ngoài ra, sự kiện Mỹ “bảo kê” cho Israel không ký vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân ở Trung Đông vào năm 2012 cho thấy họ vẫn thiên vị Israel. Những ngày qua dư luận lại tiếp tục nhắc lại giải Nobel Hòa bình dành cho ông Obama.
Theo giáo sư khoa học chính trị Đại học Cairo, Hassan Nafaa, “bài phát biểu tuyệt vời của ông Obama khiến người ta từng hy vọng rằng Chính phủ Mỹ thực sự mong muốn thay đổi chính sách của nước này. Nhưng thực tế chỉ ra rằng việc làm của ông Obama kém xa những gì ông nói”. Nhà Trắng cũng nhận ra sự thất vọng đang lan rộng trong thế giới Hồi giáo kể từ sau bài phát biểu của ông Obama.
Phó Cố vấn an ninh Nhà Trắng Ben Rhodes biện hộ rằng không thể giải quyết “một sớm, một chiều” những vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo. Theo ông, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục “giữ nguyên lời hứa” như mở rộng giáo dục, khoa học, công nghệ với các quốc gia Hồi giáo kể cả cam kết sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo…
Theo ông Diaa Rashwan, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính trị Ahram tại Cairo, những lời của Rhodes không thể thuyết phục được ai khi mà những gì đang xảy ra cho thấy ông Obama “nói một đằng làm một nẻo”. Theo ông, “nếu đặt vấn đề ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ, chắc chắn Mỹ sẽ không phản ứng thụ động như kiểu đã phản ứng trong vụ Israel tấn công tàu chở hàng cứu trợ người dân tại Dải Gaza”.
ĐỖ VĂN