Hy vọng về một Trung Đông ổn định

Hãng AP ngày 3-4 đưa tin, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận khung mới về chương trình hạt nhân, tiến tới việc chấm dứt những tranh cãi và đối đầu vì chương trình hạt nhân giữa Nhà nước Hồi giáo và phương Tây kéo dài suốt 12 năm qua.
Hy vọng về một Trung Đông ổn định

Hãng AP ngày 3-4 đưa tin, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận khung mới về chương trình hạt nhân, tiến tới việc chấm dứt những tranh cãi và đối đầu vì chương trình hạt nhân giữa Nhà nước Hồi giáo và phương Tây kéo dài suốt 12 năm qua.

Iran vui mừng có thỏa thuận hạt nhân mới

Thỏa thuận khung quy định Tehran sẽ phải cắt giảm 98% lượng uranium làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, còn 6.000 từ 19.000 máy hiện nay. Tuy nhiên, trong 10 năm tới, Iran chỉ được phép sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân.

 Theo kế hoạch tổng thể được thông qua tại Lausanne (Thụy Sĩ), trong vòng 15 năm tới, Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran theo từng giai đoạn nhưng có thể áp dụng trở lại nếu Iran không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thỏa thuận đã mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong 3 tháng còn lại, kết thúc này 30-6. Theo nguồn tin trong phái đoàn Iran, cuộc gặp tiếp theo của Nhóm P5+1 và Iran ở cấp chuyên gia được ấn định vào ngày 14-4 tới.

Người Iran đổ ra đường mừng thỏa thuận hạt nhân mới.

Theo bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, thỏa thuận mới hạn chế được khả năng làm giàu uranium của Tehran, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này. Khi được quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ cho phép Teheran tham gia hợp tác quốc tế trong sản xuất năng lượng hạt nhân cũng như xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu.

Cụ thể, nhà máy Fordo sẽ được sử dụng như một trung tâm vật lý và công nghệ hạt nhân, còn lò phản ứng nước nặng tại trung tâm nghiên cứu Arak sẽ được thiết kế lại theo công nghệ hiện đại, nhằm loại trừ khả năng sản xuất plutonium dùng cho vũ khí tại đây.

Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân vừa đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran đã nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ. Giới chuyên gia nhận định, việc thỏa thuận được thông qua được hy vọng sẽ giúp tình hình Trung Đông ổn định hơn trong thời gian tới.

Từ sáng sớm 3-4, hàng ngàn người dân Iran đã đổ ra đường để ăn mừng. Thế nhưng, giới chức Israel đã lập tức chỉ trích, coi đây là một sai lầm lịch sử bởi sẽ tạo điều kiện cho Tehran có quyền hợp pháp phát triển bom hạt nhân.

Giá dầu lại hạ nhiệt

Không chỉ đối mặt với những chỉ trích từ phía đồng minh Israel, Tổng thống Obama cũng đang phải chịu sức ép từ Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng này cũng bày tỏ hoài nghi với thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, John Boehner cho rằng chính quyền Tổng thống Obama đang bao che và có những nhượng bộ nhất định đối với Iran. Ông nhấn mạnh Quốc hội cần có quyền xem xét chi tiết của mọi thỏa thuận đạt được với Iran trước khi chính quyền Washington dỡ bở bất kỳ lệnh cấm vận kinh tế nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo Bloomberg, giá dầu thô đã giảm mạnh sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận khung. Giá dầu thô Brent giảm đến 3,7%, xuống còn 54,95 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 2,1%, xuống còn 49,14 USD/thùng. Các biện pháp trừng phạt Iran của phương Tây đã khiến xuất khẩu dầu thô của Iran giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày năm 2012 xuống còn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện nay. Kho dự trữ dầu thô của Iran hiện có khoảng 30 triệu thùng dầu thô, một khi được phép xuất khẩu sẽ sớm tràn ngập
thị trường, vốn đã thừa mứa nguồn cung.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục