Ì ạch giao thông miền Tây Nam bộ

Phương tiện giao thông từ ĐBSCL vào TPHCM theo quốc lộ. Ảnh: CAO THĂNG
Phương tiện giao thông từ ĐBSCL vào TPHCM theo quốc lộ. Ảnh: CAO THĂNG

Khởi động từ tháng 2-2015, dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, thiết kế 4 làn xe, có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 9.668 tỷ đồng. 

Trong khi đó, tuyến quốc lộ 1 từ ngã ba Trung Lương về hướng cầu Mỹ Thuận đã quá tải từ rất lâu. Vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải đưa tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) vào hoạt động nhằm giảm tải cho quốc lộ 1, song vẫn còn rất nhiều đoạn - tuyến khác không đáp ứng được nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông. Đặc biệt, vẫn còn không ít cây cầu huyết mạch chỉ đảm bảo an toàn cho 2 làn xe (xuôi, ngược) lưu thông, trở thành “nút thắt cổ chai” của toàn tuyến đường vốn có 4 làn xe với 2 làn mỗi chiều.

Mà đâu phải các cơ quan chức năng không biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Nam bộ nói riêng và Nam bộ nói chung. Miền Tây Nam bộ gồm các tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… với dân số khoảng 6,4 triệu người, bằng 7,4% dân số cả nước. 

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những châu thổ rộng và phì nhiêu ở khu vực Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất lương thực, đánh bắt thủy hải sản và trồng cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn. Điều kiện thuận lợi để sản xuất gạo, thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Tài nguyên khoáng sản và “tài nguyên” nhân văn của vùng cũng khá phong phú, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế và du lịch. Dự kiến đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm này sẽ trở thành trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, huyện đảo Phú Quốc và TP Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang cùng TP Cần Thơ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của vùng. Với vị trí và tiềm năng về du lịch, thì TP Rạch Giá đang là đầu tàu của vùng trong phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao.

Về khách quan, những khó khăn trong thủ tục đầu tư ít nhiều ở địa phương nào cũng có. Nhưng tại sao nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Bắc, việc này đã được giải quyết và hệ thống giao thông ở đó rất tốt, còn khu vực Nam bộ vẫn mãi… ì ạch? Lời giải đáp cho nỗi buồn mang tên… “giao thông miền Tây Nam bộ” vẫn còn ở phía trước!

Tin cùng chuyên mục