Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua của giới chuyên môn, trong đó kinh tế Mỹ - nền kinh tế số một thế giới không tương xứng với thực lực, chủ yếu do những bất ổn về tài chính trong nước và vấn đề nợ dài hạn vẫn là thách thức lớn. Đây là cảnh báo của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, vừa đưa ra.
Nhiều đơn hàng, việc làm tăng
Theo thông báo ngày 24-5 của Bộ Thương mại Mỹ, đơn đặt hàng mua các sản phẩm hàng hóa lâu bền tăng mạnh hơn dự kiến, số công nhân thất nghiệp thấp hơn và giá nhà tăng mạnh nhất trong 7 năm qua... là những dấu hiệu tích cực tiếp tục xuất hiện từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp những tác động của việc ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85,4 tỷ USD. Máy bay, thiết bị gia dụng, máy tính tăng 3,3%, hơn gấp đôi mức dự báo 1,5% của các chuyên gia kinh tế và là mức tăng bất ngờ so với số lượng đơn đặt hàng giảm tới 5,9% trong tháng 3.
Đây là tháng thứ 2 trong 3 tháng gần đây, số lượng đơn hàng mua các sản phẩm lâu bền ở Mỹ tăng, phản ánh đà phục hồi ổn định hơn của nền kinh tế. Giá nhà ở Mỹ kể từ đầu năm 2013 đến nay đã tăng tổng cộng 7,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5-2006.
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 23-5 của Bộ Lao động, số lượng công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 23.000 người, chỉ ở mức 340.000 đơn. Như vậy, trong tháng 4, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra tổng cộng 165.000 việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,5% so với mức 10% trong tháng 10-2009. Tính từ tháng 11 năm ngoái đến nay, trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra được 208.000 việc làm mới, so với mức 138.000 trong 6 tháng trước đó, chứng tỏ đà cải thiện nhanh hơn của thị trường lao động Mỹ.
Cần lộ trình trung hạn
Trong cuộc điều trần tại Quốc hội mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết, FED vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp gần như bằng 0 áp dụng trong nhiều năm qua và gói cứu trợ thứ ba (QE-3) thêm một thời gian nữa. Quan điểm của FED cho rằng, gói cứu trợ QE-3 chỉ được thu nhỏ một khi đà phục hồi của nền kinh tế đi vào ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6,5%.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, các điều chỉnh về tài chính có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, song không mấy hiệu quả trong trung hạn. Để hồi phục, nền kinh tế Mỹ cần một lộ trình đáng tin cậy trong trung hạn để giải quyết tình trạng nợ cũng như một kế hoạch cân bằng giữa các khoản chi và thu.
Mặc dù các gói kích cầu thời gian vừa qua đã giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc, tuy nhiên cũng đã làm “quả bóng” nợ công ngày càng phình to, gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ trong dài hạn. Tuy USD được thừa nhận là đồng tiền định giá và thanh toán quốc tế - cơ hội giúp Mỹ có thể phát hành USD với số lượng không hạn chế để mua hàng hóa giá rẻ của các nước - song Mỹ vẫn là nước bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất với số thâm hụt thương mại hàng năm lên tới hàng trăm tỷ USD.
Thực tế, để giảm nợ, Chính phủ Mỹ sẽ rất khó khăn trong việc cắt giảm mạnh các chương trình xã hội cũng như tăng thuế vì những tác động chính trị và xã hội của những biện pháp này. Những biện pháp Chính phủ Mỹ đưa ra và đang áp dụng hiện nay chủ yếu vẫn là những biện pháp tình thế cho vấn đề nợ công và dường như vẫn cần nhiều thời gian mới có được lời giải triệt để cho bài toán nợ công của Mỹ.
HẠNH CHI (tổng hợp)