Indonesia - điểm đến mới của FDI

Hơn 10 năm trước Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, kinh tế sụp đổ, bất ổn xã hội gia tăng. Nhưng giờ đây, Indonesia đã thành ví dụ điển hình về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất ở khu vực châu Á, thường xuyên được nhắc đến tại các diễn đàn thương mại quốc tế.

Những chỉ số tốt trong nền kinh tế như nợ công thấp, tăng trưởng cao đã giúp Indonesia nổi lên là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có được một phần lớn là do Chính phủ Indonesia trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực duy trì phát triển đồng đều giữa các vùng miền khi thu hút FDI và hài hòa chính sách giữa các cấp quản lý.

Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho biết Indonesia đã có những cải cách đáng kể trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư chọn kinh doanh tại một quốc gia, bởi thủ tục pháp lý quá rườm rà, phức tạp sẽ làm nản lòng họ. Cũng chính vì điều này, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tự làm mất đi cơ hội thu hút nhiều vốn FDI. Nhờ sự cởi mở trong môi trường đầu tư, mặc dù Indonesia vẫn đứng hàng đầu về tham nhũng trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế nhưng kinh tế Indonesia vẫn phát triển rất mạnh mẽ. Nước này cũng đang nỗ lực để đẩy lùi nạn tham nhũng.

Lý giải cho nguyên nhân Indonesia bỗng nổi lên trở thành điểm sáng ở phương Đông, cũng như bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều quốc gia mới nổi ở châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, tờ Jakarta Globe nhận định đó là sự chuẩn bị kỹ càng và tâm lý ứng phó kịp thời của Bộ Tài chính Indonesia khi thiết lập hệ thống tài chính tiền tệ minh bạch và vững chắc. Khi cơn bão nợ công làm châu Âu lao đao, khủng hoảng, kinh tế suy thoái trầm trọng ở Mỹ, Indonesia đã có nguồn ngân sách dự trữ dồi dào đủ khả năng ứng phó với tình huống xấu nhất. Tất cả những động thái chuẩn bị này là kết quả được rút ra từ bài học khủng hoảng kinh tế 2008-2009 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Thống kê của tờ CNBC cho biết, trong quý 2 năm nay, vốn FDI đổ về Indonesia tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số vốn FDI lên 9,6 tỷ USD, trong đó các khoản đầu tư ngoại hối trong trái phiếu chính phủ và thị trường chứng khoán đã tăng lên mức kỷ lục. Phòng Thương mại châu Âu vừa công bố báo cáo cho biết hiện nay các nhà đầu tư châu Âu quan tâm tới Indonesia vì quy mô thị trường 150 triệu dân và sức hấp dẫn khá lớn. Ban Điều phối đầu tư của Indonesia (BKPM) cho biết, dự kiến đến năm 2015, Indonesia có thể thu hút được 30-40 tỷ USD vốn FDI, gấp 3 lần năm 2009. Nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, từ vị trí 139, nền kinh tế Indonesia đã tăng lên vị trí 44 trong năm 2011.

Tuy vậy không phải không còn nỗi lo. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono khẳng định, tuy Indonesia đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần được chấn chỉnh và cơ cấu lại, nhất là cơ sở thiết bị hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế hiện đại, nhiều quy định, làm cản trở kinh tế tăng trưởng. Điều đó cho thấy rằng, phát triển nhưng vẫn phải tiếp tục cải cách để thích ứng với sự đa dạng hóa của nền kinh tế toàn cầu là phương châm hành động của Chính phủ Indonesia. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục