Ngày 4-1, trong một động thái nhằm giành sự ủng hộ trước vòng đàm phán mới với 6 cường quốc, Iran đã mời Đại sứ các nước Nga, Trung Quốc, EU và các đồng minh Arập thị sát các cơ sở hạt nhân của nước này.
Mỹ vẫn bị “cấm cửa”
Lời đề nghị trên được đưa ra vào thời điểm chỉ 2 tuần trước khi Iran và 6 cường quốc thế giới tiếp nối các cuộc đàm phán gần đây. Cuộc đàm phán diễn ra tại Geneva hồi tháng 12 vừa qua kết thúc với rất ít thỏa thuận đạt được nhưng có cam kết sẽ tái nhóm họp.
Vòng đàm phán mới giữa Tehran và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức (P5+1), theo dự kiến diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 1. Iran đã gửi lá thư có lời đề nghị trên đến Nga, Trung Quốc, Ai Cập, nhóm các nước thuộc IAEA, Cuba, các thành viên của Liên đoàn Arập tại IAEA, Hungary. Song Mỹ, nước chỉ trích Iran nhiều nhất lại không được mời.
Theo đó, ngày 15, 16-1, đại sứ các nước sẽ tham quan, gặp gỡ các quan chức cấp cao của Iran.
Liên đoàn Arập ngay lập tức chấp nhận lời mời này nhưng EU tuyên bố vẫn đang cân nhắc. Theo nguồn tin từ AP, các địa điểm hạt nhân mà các nước được mời đến thăm là Bushehr và Natanz.
Nhà máy điện Bushehr, dự án hoàn thành với sự giúp đỡ của Nga sau nhiều năm bị trì hoãn, là nhà máy thể hiện mục đích chính của Iran: sản xuất điện. Còn cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất ở thành phố miền Trung Natanz lại là mối lo ngại sâu sắc đối với các nước phương Tây. Hội đồng bảo an LHQ đã áp đặt 4 vòng trừng phạt với Iran vì nước này từ chối ngừng làm giàu uranium.
Vì thế, khi Iran chính thức tuyên bố mở cửa để nhiều nước có thể tham quan các cơ sở hạt nhân này thì đây được cho là một động thái rất bất ngờ. Đây phải chăng là một hành động nhằm làm mềm hóa sự cứng rắn đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran dưới thời Tổng thống Ahmadinejad?
Các nhà phân tích nhận định, có lẽ chính quyền của ông Ahmadinejad muốn đưa ra thông điệp rằng những lời thêu dệt về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không có cơ sở.
Tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự
Tuần trước, Iran tuyên bố chính thức trở thành một quốc gia hạt nhân. Bên cạnh đó, nước này liên tục mở rộng các hoạt động quân sự bằng việc phát triển các vũ khí phòng thủ và tổ chức nhiều cuộc tập trận trong năm qua. Chính điều này đã gây lo ngại cho nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Iran tuyên bố trang bị cho hải quân các hệ thống tên lửa hành trình nhằm bảo vệ biên giới trên biển của nước này. Theo ông Ahmad Vahidi, Bộ trưởng Quốc phòng, các hệ thống này gồm bệ phóng tên lửa, hệ thống phát hiện mục tiêu và radar định hướng cho tên lửa. Tầm bắn của các tên lửa này không được đề cập tới, mặc dù Iran đã thử nghiệm các tên lửa với tầm bắn ngày càng xa hơn.
Mục đích thực sự của chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của Iran đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chừng nào quá trình làm giàu uranium còn tiếp tục, dù là vì mục đích dân sự hay quân sự, mọi nghi ngờ vẫn còn dai dẳng. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho đến nay vẫn chưa thể công bố về tính chính xác của chương trình hạt nhân Iran. Giám đốc IAEA Yukiya Amano tuyên bố, Iran là một trường hợp đặc biệt trong quá trình giám sát hoạt động phát triển hạt nhân của cơ quan này. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây cáo buộc Iran nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân. Theo ông Amano, sau 7 năm tăng cường điều tra chương trình hạt nhân của Iran, IAEA vẫn chưa thể khẳng định rằng chương trình này nhằm mục đích hòa bình như Tehran tuyên bố hay là nhằm mục đích quân sự như các nước phương Tây nghi ngờ.
Thanh Hằng