Hội nghị về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân vừa kết thúc tuần qua với việc 189 nước ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Cũng như nhiều lần trước đây, Israel không ký hiệp ước này. Nhưng điều khác biệt lần này ở chỗ, các nước kêu gọi hủy bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở toàn bộ khu vực Trung Đông vào năm 2012 và kêu gọi Israel ký kết NPT.
Năm 2005, hội nghị về NPT thất bại do Mỹ bác bỏ đề xuất đưa lời kêu gọi Israel ký kết NPT vào tuyên bố cuối cùng. Xem ra, đó là thành công của hội nghị lần này. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề.
Ai cũng hiểu rõ chính sách ngoại giao của Mỹ đôi khi “nói vậy mà không phải vậy”. Theo báo chí của Israel và Mỹ, Israel đã nhận được đảm bảo từ Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Mỹ sẽ duy trì và cải thiện khả năng phòng vệ hạt nhân của Israel. Tổng thống Mỹ Obama đã hứa hẹn rằng không có một quyết định nào tại Hội nghị NPT vừa rồi gây phương hại đến lợi ích sống còn của Israel về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong chuyến thăm Mỹ ngày 31-5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhận được lời xác nhận của Tổng thống Obama ủng hộ quyền sở hữu vũ khí hạt nhân của Israel. Theo nhà phân tích Israel Michael Warschawski, Israel được cho là nước sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất trong khu vực vẫn trông chờ vào sự ủng hộ của Mỹ để bảo toàn kho vũ khí hạt nhân của họ. “Sẽ không có gì xảy ra vào năm 2012. Cũng sẽ rất xa vời khi thế giới mong đợi Mỹ làm áp lực để Israel từ bỏ vũ khí hạt nhân”, ông nói.
Israel có nhiều lý do để bào chữa nhằm duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình. Họ chỉ chấp nhận một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân khi có một thỏa thuận theo đó tất cả các nước trong khu vực công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel, ký kết hiệp định hòa bình, hiệp ước an ninh với Israel, hạn chế vũ khí quy ước và không quy ước. Một đòi hỏi quá xa vời trong khi nguy cơ về vũ khí hạt nhân nghiêm trọng hơn từ Israel lại rất gần.
Nhiều chuyên gia xác định Israel hiện có khoảng 75 đầu đạn hạt nhân trong lúc chỉ mới dừng ở mức cảnh báo về khả năng Iran sản xuất vũ khí hạt nhân trong tương lai. Điều đáng nói là trong lúc bác bỏ mọi đề nghị của cộng đồng quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân, Israel lại liên tục gây sức ép lên cộng đồng quốc tế đòi Iran bãi bỏ chương trình hạt nhân. Các lãnh đạo Israel còn công khai cho biết họ sẵn sàng đơn phương tấn công phá hủy các mục tiêu nằm trong chương trình hạt nhân của Iran.
Thông tin mới nhất trên tờ The Sunday Times ở Anh cho biết, 3 chiếc tàu ngầm của Israel do Đức chế tạo trang bị tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân sẽ được triển khai ở vùng Vịnh, gần với bờ biển của Iran để “răn đe” và không loại trừ khả năng tấn công Iran.
Nhìn vào lịch sử, dư luận thế giới sẽ không ngạc nhiên với cách hành xử quen thuộc của Mỹ với đồng minh chiến lược của họ tại vùng Vịnh. Vấn đề ở chỗ, khi tuyên bố bảo vệ quyền lợi hạt nhân của Israel, Mỹ đã tạo tiền lệ vô hiệu hóa NPT khi mà hiệp ước này chưa kịp ráo mực
KHÁNH MINH