Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức buổi trao đổi thông tin với các doanh nghiệp (DN) về “Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt Nam”; đồng thời giới thiệu về Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch TPHCM Việt Nam - Myanmar 2016 (Ho Chi Minh City Expo 2016) tại Yangon từ ngày 1-4 đến 4-4-2016 cùng chương trình khảo sát thị trường tại Yangon và Mandalay từ ngày 31-3 đến 5-4-2016.
Doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar thảo luận để tiến tới ký kết hợp tác tại Hội thảo Xúc tiến Thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối giao thương Việt Nam - Myanmar năm 2015 do ITPC tổ chức tại Myanmar. Ảnh: HẢI HÀ
Đây là lần thứ 4 liên tiếp ITPC tổ chức hội chợ, triển lãm tại Myanmar để giới thiệu và tạo cơ hội cho các DN đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này; đồng thời là lần thứ 6 ITPC thực hiện chương trình khảo sát thị trường kinh doanh, đầu tư, kết nối giao thương, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nhanh thị trường. Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, được sự bảo trợ của Bộ Công thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, ITPC sẽ tổ chức hội chợ tại Yangon với quy mô 120 gian hàng. Đối tượng tham gia là các DN, đơn vị Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực xuất khẩu, được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành và các tổ chức xúc tiến thương mại tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành nghề...
Nét mới trong Ho Chi Minh City Expo 2016 lần này, đó là ban tổ chức sẽ thiết kế một khu vực triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và khu trưng bày giới thiệu vật liệu xây dựng. Tại đây, ITPC phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM và cùng DN đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm mới, kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp giới thiệu với người dân và DN Myanmar. Mặt khác, ITPC phối hợp với Sở Xây dựng TPHCM giới thiệu các loại vật liệu, công nghệ mới ứng dụng trong xây dựng nhằm hỗ trợ các DN tìm kiếm đối tác.
Trong chương trình khảo sát thị trường, các DN đi thực địa tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, siêu thị, khu vật liệu xây dựng, văn phòng đại diện Satra, khu thương mại Hoàng Anh Gia Lai để có thể định hướng hợp tác, đầu tư phù hợp năng lực của từng DN.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường Myanmar còn nhiều dư địa cho hàng Việt Nam thâm nhập với những phân khúc khác nhau, đa dạng về nhu cầu, trong đó phân khúc bình dân vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu tiêu dùng. Nhiều ngành hàng có tiềm năng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng, nước giải khát, vật liệu xây dựng, hàng điện máy, sản phẩm phục vụ nông nghiệp... Đến nay, nhiều thương hiệu của Việt Nam đã thâm nhập thành công thị trường Myanmar như các loại xúc xích, đồ hộp chế biến từ thịt gà của Vissan; các sản phẩm chế biến từ gạo như bún khô, hủ tiếu, bánh phồng tôm của Sa Giang; dầu thực vật Nam Mỹ; cà phê 3 trong 1. Các sản phẩm như trà artisô, trà gừng, trà xanh, trà thảo dược… hoặc cà phê rang xay Việt Nam dần được ưa thích vì mới lạ. Cà phê G7 của Trung Nguyên; các loại trà của Cầu Tre; các loại sữa và nước ép đóng hộp của Vinamilk; nước giải khát của Tân Quang Minh; hóa mỹ phẩm của Mỹ phẩm Sài Gòn; bóng đèn Điện Quang; nhựa Đại Đồng Tiến…
Theo ITPC, DN cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan để kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, DN chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp. Yangon là thị trường chính, định hướng tiêu dùng cho các thị trường còn lại. Hành vi, thị hiếu tiêu dùng của người dân Myanmar không chỉ do nhu cầu tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng bởi phong tục tập quán và tôn giáo.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2015, Việt Nam xuất sang Myanmar đạt trên 378,5 triệu USD. Mặc dù so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thương mại song phương Việt Nam - Myanmar còn thấp, nhưng Myanmar vẫn được xác định là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng Việt Nam. Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, bên cạnh việc cắt giảm thuế của các nước, cộng với những điều kiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư nội khối cũng được mở ra sẽ giúp DN thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường tiềm năng này.
KIM CHUNG