Kẽ hở “đặc biệt khó khăn”

UBND TPHCM vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đã ban hành theo Quyết định 19/2009/QĐ-UBND (Quyết định 19). Có 3 nội dung được điều chỉnh, bổ sung.

Thứ nhất, cho phép người dân có thể chỉ chuyển mục đích sử dụng phần diện tích mảnh đất muốn tách thửa thành đất ở, sau đó làm thủ tục tách thửa theo quy định, thay vì phải chuyển mục đích sử dụng của toàn bộ thửa đất.

Thứ hai, căn cứ điều kiện thực tế, loại đất nông nghiệp tại địa phương để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, nhưng diện tích tối thiểu của các thửa đất nông nghiệp hình thành không nhỏ hơn 300m². Quy định mới này nói rõ đất nông nghiệp, thay cho “thửa đất” như trước kia.

Thứ ba, quy định rõ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để xem xét giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất để xem xét giải quyết.

Trong khi đó, nội dung cơ bản nhất của Quyết định 19 quy định diện tích đất tối thiểu của nhà, đất sau khi tách thửa lại không được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, ở các quận ven (khu vực 2), đất ở chưa có nhà, diện tích tối thiểu khi tách thửa là 80m², mặt tiền không nhỏ hơn 5m; đất có nhà hiện hữu diện tích tách thửa là 50m², mặt tiền không nhỏ hơn 4m. Các huyện ngoại thành (khu vực 3) diện tích tối thiểu khi tách thửa là 120m², mặt tiền không nhỏ hơn 7m; đất ở có nhà hiện hữu là 80m², mặt tiền không nhỏ hơn 5m.

Quy định là vậy, nhưng ở khoản 1, Điều 4 Quyết định 19 lại cho phép những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc khi thừa kế, hòa giải tranh chấp thì được UBND quận huyện linh động cho tách thửa dưới mức diện tích tối thiểu theo quy định. Việc thực hiện quy định này tạo kẽ hở để cán bộ xã, phường tiêu cực khi xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Thực tế, những trường hợp có nhà, có đất với diện tích tối thiểu 50m² như quy định không thuộc diện hộ nghèo, chứ chưa nói đến diện “đặc biệt khó khăn”.

Hay ở khu vực thuộc các huyện được quy định đô thị hóa, hoặc ở các quận ven đã quy hoạch đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích nông nghiệp được tách không nhỏ hơn 300m². Thực tế ở nhiều khu vực những thửa đất trên mặc dù là đất nông nghiệp, sử dụng vào mục đích nông nghiệp nhưng đã được phân lô, xây nhà ở thì không thể tách thửa để hợp pháp hóa quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản cho người dân. 

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục