Sổ tay

Kẽ hở trong quản lý, sử dụng lao động nước ngoài

Khi nhiều nơi rộ lên tình trạng lao động phổ thông nước ngoài đột nhiên xuất hiện nhiều ở Việt Nam, dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của những cơ quan có chức năng trong việc cấp phép, quản lý đối tượng này. Tuy nhiên, mới đây, cán bộ công tác trong lĩnh vực này vừa kêu oan!

Oan cho cán bộ là vì họ đã làm đúng luật. Hãy xem văn bản pháp luật mới nhất về quản lý lao động nước ngoài: Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ban hành ngày 17-6-2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/ 2008/ NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 3 Điều 4 ghi rõ: “Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài bao gồm giấy chứng nhận tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao”.

Tuy nhiên, nghị định này lại có thêm quy định: “Việc chứng nhận về trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của người nước ngoài có thể thay thế bằng bản xác nhận hoặc các giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động có xác nhận ít nhất 5 năm kinh nghiệm”. Bản xác nhận này do các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà người nước ngoài đã từng công tác xác nhận. Đây chính là kẽ hở tạo điều kiện cho lao động phổ thông, lao động không có trình độ, tay nghề hợp pháp tràn sang nước ta.

Cán bộ làm công tác cấp phép cho lao động nước ngoài tại các KCX-KCN TP bức xúc: “Nhiều khi chúng tôi nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép lao động của người chỉ mới 20-21 tuổi. Với độ tuổi đó, chúng tôi thừa biết đấy là lao động phổ thông chứ không thể là chuyên gia hay nghệ nhân có tay nghề cao. Vậy mà chúng tôi cũng phải cấp giấy phép vì họ trưng ra hợp đồng lao động có xác nhận trên 5 năm công tác tại một công ty xa lắc nào đó bên nước họ. Nếu đúng là có 5 năm kinh nghiệm, người này đã đi làm từ năm 15-16 tuổi”. Đó là chưa kể những giấy xác nhận kiểu này, lao động có thể “mua” được dễ dàng ở nước sở tại và cơ quan quản lý, cấp phép của Việt Nam không thể thẩm định độ chính xác của những loại giấy tờ đó.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài không nằm ngoài mục tiêu học hỏi tay nghề, kinh nghiệm quản lý của những lao động chất lượng cao, chuyên gia nước ngoài. Trong khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động còn thất nghiệp ở nước ta vẫn còn cao thì việc mở rộng cửa để đón lao động phổ thông với trình độ, kỹ năng không hơn gì lao động trong nước từ nước ngoài vào làm việc là chuyện rất vô lý.

Để công tác quản lý lao động nước ngoài được chặt chẽ, trước hết cần rà soát và bãi bỏ ngay những quy định quá lỏng lẻo và nguy hiểm kiểu này.

MAI HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục