Kế hoạch tư nhân hóa gây tranh cãi của Hy Lạp

Sau 6 năm rơi vào tình trạng suy thoái liên tục và 3 năm trở thành quốc gia đầu tiên được giải cứu trong cuộc khủng hoảng nợ công bao trùm khu vực đồng tiền chung châu Âu, theo báo The Guardian, hiện nay đất nước các vị thần đang hy vọng kế hoạch tư nhân hóa mới triển khai sẽ giúp họ thoát hiểm, biến một quốc gia chìm trong nợ nần thành một cửa ngõ kinh tế mới của Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 14-5 vừa qua, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã nâng bậc xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp từ CCC lên B, đồng thời xóa nguy cơ vỡ nợ đối với Hy Lạp nhờ triển vọng kinh tế ổn định. Các chủ nợ quốc tế cũng đã đồng ý giải ngân thêm 8,8 tỷ EUR trong gói giải cứu. Những thông tin đó đã được Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras mang đến Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh đóng vai trò rộng lớn hơn trong “câu chuyện thành công” của Hy Lạp. Và đây là cơ hội tốt nhất để con hổ châu Á này biến Hy Lạp thành cửa ngõ vào châu Âu, đúng như tham vọng của Bắc Kinh. Theo Guardian, Trung Quốc đang đẩy mạnh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng của Hy Lạp, như các dự án cơ sở hạ tầng ở cảng biển Piraeus, bến cảng hành khách lớn nhất châu Âu và là một trong 10 nơi tập kết container hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu chuẩn bị đấu thầu đầu tư sân bay quốc tế Athens.

Trong khi Trung Quốc quan tâm đến sân bay, bến cảng, đường sắt… thì Nga xác định cách thức xâm nhập vào thị trường năng lượng. Mới tuần trước, đại diện tập đoàn khí đốt đầy quyền lực Gazprom của Nga đã bay đến Athens. Đây là lần thứ ba trong nhiều tháng qua, ông Alexey Miller đến Hy Lạp để thương lượng giá mua tập đoàn khí đốt tự nhiên khổng lồ Depa của Hy Lạp. Sự quan tâm của Nga với Hy Lạp đã khiến Mỹ và EU liên tục đưa ra những phản đối rằng Mátxcơva đang tìm cách gây ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực có vai trò nhạy cảm trong cân bằng vị thế địa chính trị ở Hy Lạp. Bản thân Mỹ cũng đã có bước cản chân Nga trong lĩnh vực này và hậu thuẫn Hy Lạp bán Desfa, mạng lưới cung cấp khí đốt khổng lồ, cho Socar - công ty dầu khí quốc gia của Azerbaijan.

Tốc độ tư nhân hóa đang diễn ra chóng mặt tại Hy Lạp, từ khu vực sân bay đến bất động sản, khu công nghiệp, cơ sở thể dục thể thao, bãi biển, khách sạn nhà nước… Qatar đã rót 100 tỷ EUR vào quỹ đầu tư lĩnh vực bất động sản. Quốc hội Hy Lạp còn cấp giấy phép cư trú 5 năm cho công dân ngoài EU mua tài sản trị giá hơn 250.000 EUR.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng tư nhân hóa chỉ là chuyển đổi chủ sở hữu tài sản quốc gia đang tạo ra lợi nhuận, những tài sản họ ví như “bộ đồ bạc của gia đình”, chứ không hề thu hút đầu tư, và vì vậy nó cũng không tạo ra tăng trưởng và việc làm như kỳ vọng.  Giáo sư Theodore Pelagidis tại Trường Đại học Piraeus thừa nhận: “Tư nhân hóa không bao giờ giải quyết được những  vấn đề tài chính của đất nước này nhưng hy vọng quá trình này sẽ loại bỏ nạn tham nhũng nhà nước và tăng hiệu quả sản xuất, tạo việc làm”.

Hãng tin tài chính Bloomberg nhận định việc bán rẻ tài sản quốc gia chỉ là biện pháp tình thế, chứ không phải biện pháp bền vững, và vì vậy, nó chỉ đạt hiệu quả có giới hạn.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục