Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cần thiết thực

Hội thảo góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho TPHCM giai đoạn 2016-2020” do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức, diễn ra ngày 25-9 tại TPHCM. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo.

Hội thảo góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho TPHCM giai đoạn 2016-2020” do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức, diễn ra ngày 25-9 tại TPHCM. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo.

Ông Quách Kiều Long, UBND quận 3, đề nghị: Kế hoạch ứng phó với BĐKH của TPHCM nên bổ sung thêm một số số liệu cụ thể, chi tiết; so sánh với các mốc thời gian qua từng năm, tháng, đừng liệt kê chung chung. Ví dụ, mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng 7%-30%; giảm phát thải khối lượng nhà kính 10%-20% so với năm 2013... Tuy vậy, khi đưa ra con số này, dự thảo chưa nêu rõ căn cứ vào các chỉ tiêu nào để giảm được như thế. Gần đây, một số cơn mưa lớn gây ngập cục bộ trên địa bàn TPHCM, đề nghị nên bổ sung các hiện tượng này có phân tích về hậu quả của BĐKH đang diễn biến xấu như hiện nay, để có các giải pháp. Bên cạnh đó, rất cần kế hoạch liên kết vùng miền giữa các tỉnh lân cận. Bởi vấn đề BĐKH không chỉ tác động riêng tới TPHCM mà còn ảnh hưởng chung tới hàng loạt tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Thượng úy Võ Thị Thu Lan, Công an TPHCM, góp ý, để xây dựng phương án ứng phó BĐKH thành công, sát sườn, nên dự báo được trong thời gian 5 năm, hoặc 10 năm tới, lượng phát thải của TPHCM ở mức nào. Đáng lưu ý, việc khuyến khích sử dụng xe máy điện để thay thế cho các loại mô tô thông thường nhằm giảm phát thải, có vẻ chưa hợp lý. Cần có sự cân nhắc, nghiên cứu kỹ vì thực tế lượng điện tiêu thụ tại TPHCM năm sau thường cao hơn năm trước, kéo theo lượng phát thải CO2 tăng.

Bàn về các giải pháp để giảm lượng phát thải, ông Rik Dierx, Giám đốc dự án Công ty Vitens Evides International tại Việt Nam, cho rằng: “Các bạn nên hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm dưới đất. Nền đất sụt lún làm cho tình trạng BĐKH trầm trọng hơn. Thêm nữa, cần xây dựng nhà máy nước ở dạng khác, chẳng hạn xây dựng nhà máy có bộ lọc CO2 để giảm lượng phát thải. Có thể lấy dẫn chứng, hiện Sawaco đang sử dụng những ống bơm lớn với lượng điện tiêu thụ khá lớn. Thay vào đó, để giảm lượng điện góp phần giảm phát thải, Sawaco có thể dùng các ống bơm nhỏ hơn”.

Phó Chánh Văn phòng BĐKH TPHCM Hà Minh Châu đã ghi nhận toàn bộ góp ý của các đại biểu và khẳng định sẽ thiết kế, bổ sung vào kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của TPHCM một cách chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời, ông Châu cũng chia sẻ: TPHCM đã gia nhập Tổ chức C40 (Cities Climate Leadership Group), tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Qua đó, TPHCM vừa chủ động thực hiện vừa hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhờ bạn bè quốc tế có kinh nghiệm hỗ trợ, giúp đỡ TPHCM trong việc ứng phó với BĐKH

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục