Kẻ trung thành - người chiến thắng và thủ lĩnh tinh thần

Khi Kane Hopps, người CĐV giương biểu ngữ rằng “Đã quá đủ, ông hãy đi đi” trên khán đài Stamford Bridge để phản đối Arsene Wenger, ít ai ngờ rằng giây phút được các cameramen của kênh TH Sky chộp lại ấy lại khiến Hopps trở nên nổi tiếng. Gary Neville, trong vai trò một chuyên gia bình luận, cho rằng “CĐV ấy là một thằng ngu. Wenger không đáng bị cư xử như vậy” và lập tức, tay bút Henry Winter của The Times đã phản pháo và gọi Neville là “thô lỗ”.

Winter cung cấp một số liệu mà chúng ta hẳn sẽ nhận thấy đòi hỏi của Kane Hopps là có lý. Chỗ ngồi của Hopps ở Emirates có giá trị 1550 bảng Anh mỗi mùa và trung bình mỗi mùa Hopps chi 5000 bảng Anh để đi theo cổ vũ Arsenal. Kể từ lần gần nhất Arsenal vô địch Premier League, Hopps đã tốn 60 ngàn bảng Anh cho việc ủng hộ đội bóng. Đổi lại, anh ta được gì? Không một danh hiệu cao quý. Kèm theo đó là những thất bại, mà điển hình là thất bại trước Chelsea, trong tiếng hát vang chế giễu của CĐV Chelsea rằng “Wenger ơi, hãy ở lại”.

Câu chuyện “nổi tiếng bất chợt” của Kane Hopps đã khiến chuyện cũ được xới lại ở Emirates. Đó chính là chuyện của Wenger, với câu hỏi “Tại sao Arsenal của ông vẫn luôn khiến CĐV phải tuyệt vọng suốt bao nhiêu mùa giải nay rồi?”. Và lần này, câu trả lời không còn nằm ở những kiến giải thông thường kiểu như “Wenger đã không còn cập nhật với sự phát triển của chiến thuật hiện đại” hoặc “Chính sự mơ mộng muốn giữ lối chơi đẹp cổ điển đã giết Arsenal” nữa. Cần có những kiến giải sâu sắc hơn, hợp lý hơn về vấn đề Arsenal – Wenger.

Thứ nhất, việc không có một trụ cột, một thủ lĩnh đúng nghĩa đã khiến Arsenal trở thành đội bóng bạc nhược rất nhiều năm nay. Tính cho đến tận mùa giải trước, đội trưởng của Arsenal vẫn là một Arteta, người cũ của Everton, và thường xuyên ngồi trên băng ghế dự bị. Câu chuyện đội trưởng không ra sân ấy tưởng như sẽ chấm dứt khi Arteta rời Arsenal nhưng cuối cùng lại được lặp lại với Metersacker. Sẽ ra sao khi đội bóng cần đội trưởng khích lệ tinh thần chiến đấu nhưng đội trưởng ấy lại ngồi quan sát từ băng ghế huấn luyện, với giá trị chẳng khác gì một ông HLV, thậm chí còn ít hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, Sanchez đòi ra đi là có lý. Sanchez thuộc mẫu cầu thủ khát chiến thắng và muốn được chơi cạnh những cỗ máy hướng đến chiến thắng giống như mình. Nhưng xung quanh Sanchez là những ai? Anh ta không nhận thấy khát vọng đó ở các đồng đội của mình, mà phản ứng của anh trước pha ăn mừng của Giroud ở trận hoà Bournemouth cách đây chưa lâu chính là minh chứng rõ rệt nhất. Sanchez được coi là “người của chiến thắng” duy nhất ở Arsenal lúc này và chính Henry Winter cũng mạnh dạn nhận định rằng khả năng anh rời Arsenal là rất lớn.

Và khi đội bóng như rắn mất đầu nhưng lại luôn hoài vọng về quá khứ hào hùng thì trớ trêu thay, những hiện thân của quá khứ ấy không ở lại Arsenal lúc này. Vieira từng rất muốn được quay lại làm công tác huấn luyện ở Arsenal vì anh thích sống ở London nhưng Wenger không cho anh cơ hội. Wenger được xem là không thích việc các tượng đài cũ của đội bóng quây quần xung quanh mình và việc ông không để những Tony Adams, Henry, Vieira hay Pires trở lại làm việc tại Arsenal sau khi giải nghệ chính là bằng chứng hùng hồn nhất. Arsenal tự cắt đứt sợi dây truyền thống của mình theo cách đó và chính những người hâm mộ của họ đã luôn đặt ra câu hỏi “tại sao CLB không tỏ ra chung thủy với những thần tượng cũ của mình?”.

Không trụ cột, không khát vọng chiến thắng, không cả những tượng đài và bỏ qua lòng trung thành, liệu Arsenal sẽ đi được tới đâu? Câu hỏi ấy sẽ chỉ được giải tỏa một cách xác đáng nếu kỷ nguyên Wenger chấm dứt, như yêu cầu của Kane Hopps, một CĐV không hề “ngu ngốc” như Gary Neville nhận xét.

Hà Quang Minh

Tin cùng chuyên mục