Kéo dài vụ việc hành chính: Ai chịu trách nhiệm?

Trong đơn gởi Báo SGGP, bà N.T.T.Hằng, ngụ tại số nhà 212B/D75 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM, phản ánh: Vụ việc khiếu nại, liên quan đến đề nghị công nhận quyền sở hữu căn nhà do bà tự mua và không thuộc diện nhà nước quản lý kéo dài quá lâu, gây thiệt thòi quyền lợi của bà.

Trong đơn gởi Báo SGGP, bà N.T.T.Hằng, ngụ tại số nhà 212B/D75 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM, phản ánh: Vụ việc khiếu nại, liên quan đến đề nghị công nhận quyền sở hữu căn nhà do bà tự mua và không thuộc diện nhà nước quản lý kéo dài quá lâu, gây thiệt thòi quyền lợi của bà.

Cụ thể, năm 2002, bà Hằng bỏ tiền mua căn nhà nhỏ, gồm hai phòng có diện tích 30m², trong tổng số 6 căn phòng của chủ nhà Nguyễn Văn Trước. Căn nhà của ông Trước được Ủy hội quốc tế cấp để ở từ năm 1965. Từ sau giải phóng đến nay, căn nhà này không hề có tranh chấp và chưa có văn bản quản lý của cơ quan nhà nước, cũng chưa bố trí cho ai vào ở. Thế nhưng, năm 2007, nó lại được quận 1 đưa vào diện quản lý theo Quyết định số 517/QĐ-UBND của UBND TPHCM (dựa theo Quyết định 111/QĐ-HĐCP ngày 14-4-1977, đã hết hiệu lực từ 18-12-1980).

Cần nói rõ hơn, tại Quyết định số 297/CT của Chủ tịch HĐBT năm 1991 đã quy định, đối với nhà ở tuy thuộc diện cải tạo nhưng tính đến ngày 1-7-1991 nhà nước không tiến hành các thủ tục quản lý và thực tế nhà nước không quản lý hoặc không bố trí sử dụng thì nhà nước công nhận quyền sở hữu của chủ nhà. Trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1-7-1991, nhà nước cũng có Nghị quyết số 23/2003/QH11, Nghị Quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 và Nghị định số 127/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện hai nghị quyết này.

Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết số 23 có hiệu lực thi hành, những trường hợp nhà đất chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng thì nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thế nên từ việc ban hành Quyết định số 517, đưa căn nhà số 212B/D75 đường Nguyễn Trãi phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 vào diện nhà nước quản lý, cơ quan thẩm quyền đã gây nhiều rắc rối, phiền hà cho người mua là bà Hằng.

Đầu tiên, khi bà Hằng làm thủ tục xin mua nhà theo Nghị định 61/CP, bà bị Phòng Quản lý đô thị quận 1, Công ty Phát triển nhà quận 1 bác bỏ vì lý do thiếu thuyết phục là người chồng đã ly hôn của bà đã được hưởng chính sách cấp nhà (trên thực tế bà đã ly hôn trước khi người chồng cũ có quyết định được mua nhà theo Nghị định 61/CP). Sau khi bị từ chối quyền mua nhà theo Nghị định 61/CP, bà Hằng mới phát hiện căn nhà mình bỏ tiền ra mua không thuộc diện nhà nước quản lý theo các quy định liên quan đến chính sách quản lý nhà đất thuộc diện cải tạo như nêu trên.

Phát hiện ra sai sót này, bà Hằng đã gởi đơn khiếu nại đến chính quyền quận 1, các cơ quan chức năng của TP để được giải quyết quyền lợi chính đáng, tiến hành làm thủ tục công nhận quyền sở hữu căn nhà, chứ không phải mua theo Nghị định 61/CP. Bên cạnh đó, bà cũng yêu cầu được nhận lại toàn bộ số tiền đã nộp tại Công ty Quản lý nhà quận 1. Thế nhưng, dù UBNDTPHCM, Ban Pháp chế HĐND TP, đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà Hằng nhưng đến nay việc giải quyết khiếu nại vẫn chưa có điểm kết.

Điều đáng nói, trong văn bản số 419/SXD-QLN&CS, ngày 18-1-2012, gởi Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBNDTPHCM, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đỗ Phi Hùng đã thừa nhận “qua kiểm tra hồ sơ, Sở Xây dựng nhận thấy cán bộ, công chức được phân công thụ lý hồ sơ căn nhà trên có chậm trễ trong việc xử lý đơn khiếu nại của bà N.T.T.Hằng. Việc này, Sở Xây dựng nhận thiếu sót trong việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thụ lý hồ sơ của cán bộ, công chức và sẽ chấn chỉnh khắc phục trong thời gian tới”.

Thế nhưng, đã 6 tháng trôi qua, cán bộ công chức nào “phải chịu trách nhiệm” về sự chậm trễ này vẫn chẳng nghe động đến. Chưa kể, một số cán bộ - công chức thuộc Phòng Quản lý đô thị, Công ty Phát triển nhà quận 1 do thiếu hiểu biết về pháp luật hay cố tình áp dụng sai các quy định của nhà nước về quản lý nhà đất trong việc giải quyết hồ sơ mua nhà của bà Hằng có bị xem xét và cán bộ nào phải chịu trách nhiệm liên đới khi tiến hành xác lập căn nhà nêu trên thuộc sở hữu nhà nước không đúng với quy định của pháp luật?

Vụ việc khiếu nại về nhà đất liên quan đến thủ tục hành chính của bà Hằng là một trong nhiều vụ việc kéo dài (6 năm), gây phiền hà, thiệt thòi quyền lợi cho người dân. Dù đơn thư đã được chuyển đến các cấp có thẩm quyền của TPHCM giải quyết nhưng việc chỉ đạo thực hiện vẫn thiếu dứt điểm, người dân vẫn phải mỏi mòn chờ đợi. Bao giờ vụ việc này mới được giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật? 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục