Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, từ ngày 15-7, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, nhiều ngân hàng đã triển khai nhưng một số ngân hàng cho rằng trước mắt chủ yếu áp dụng cho 4 đối tượng ưu tiên chứ chưa thể áp dụng đối với 100% các khoản vay cũ, đặc biệt là những khoản vay mang tính rủi ro cao.
Đồng tình, chia sẻ
Ghi nhận tại các ngân hàng trên địa bàn TP sau 1 ngày thực hiện chỉ đạo trên, nhiều NHTM cho biết sẽ thực nghiêm chỉnh việc điều chỉnh lãi các khoản vay cũ về 15%. Theo các NHTM, đợt điều chỉnh lãi suất này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng cần thiết phải triển khai nhằm chia sẻ với tình hình khó khăn của doanh nghiệp (DN) nói riêng và tình hình kinh tế nói chung.
Theo đại diện Ngân hàng BIDV TPHCM, ngoài việc cơ cấu lại nợ cho DN, BIDV cũng đã giảm lãi suất cho vay trên cơ sở rà soát tất cả hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng cũ với lãi suất còn 15%/năm trở xuống.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết thời gian qua, OCB đã xử lý được 180 tỷ đồng nợ xấu từ nhóm 2 đưa về nhóm 1 thuộc 47 DN để giãn nợ, đồng thời cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất bình quân tất cả khoản nợ nhóm 2 xuống còn 15% - 16%/năm; điều chỉnh thời hạn trả lãi cho khách hàng. Về thực hiện chỉ đạo của NHNN về các khoản vay cũ, ông Tùng cũng cho biết, OCB vừa rà soát 394 khế ước vay vốn của 4 lĩnh vực ưu tiên để giảm lãi vay về mức 15%/năm và hiện đang tiếp tục rà soát. “Chúng tôi thực hiện nghiêm chủ trương của NHNN, rà soát đến đâu sẽ giảm đến đó” - ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, hiện nay OCB tập trung thực hiện đối với các lĩnh vực ưu tiên trước, những lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản và đặc biệt là những khoản cho vay mà khách hàng sử dụng sai mục đích, không thực hiện đúng cam kết, ngân hàng sẽ cân nhắc điều chỉnh giảm phù hợp.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, không chỉ hiện nay mà trong 6 tháng đầu năm 2012, VietinBank đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ưu đãi đối với DN khu vực trực tiếp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh tế mà Chính phủ khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ…
Theo ông Hùng, từ ngày 15-7, VietinBank hạ lãi suất đối với tất cả các khoản vay xuống tối đa 15%/năm. “VietinBank đã chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện rà soát dư nợ các khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất về mức 15%/năm để chia sẻ khó khăn với DN và hộ dân. VietinBank có thể áp dụng chính sách miễn lãi 100%, bán nợ với tỷ trọng khoảng 50% - 60% khoản nợ gốc trong những trường hợp cụ thể” - ông Hùng cho biết.
Ngân hàng Đông Á cũng cho biết, trước khi Thống đốc NHNN có chỉ đạo trên, hàng tháng Ngân hàng Đông Á đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng có hợp đồng cũ, trong đó tỷ lệ DN có khoản vay cũ ngắn hạn được giảm lãi suất chiếm trên 40% tổng dư nợ của ngân hàng và thời gian tới, các hợp đồng vay dài hạn cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh lãi suất.
Lợi thế thuộc về ngân hàng lớn
Nhiều ngân hàng khẳng định việc hạ lãi suất các khoản vay cũ chỉ giảm lợi nhuận nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng vì trước đây huy động lãi suất cao sẽ cho vay cao nhưng nay, lãi suất huy động đã giảm về ở mức 9% -10%, việc hạ lãi suất cho các khoản vay cũ xuống 15% có thể thực hiện được.
“Mặc dù việc giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm, Ngân hàng Đông Á sẽ giảm lợi nhuận mỗi tháng hàng chục tỷ đồng nhưng chúng tôi rất đồng tình thực hiện để chung tay cùng DN vượt khó” - đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết.
Một giám đốc NHTM thuộc nhóm 2 tại TPHCM cho rằng, các ngân hàng lớn có chi phí vốn huy động thấp, nền tảng khách hàng chất lượng, quản trị và trích dự phòng rủi ro đầy đủ là lợi thế để có thể hạ lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm. Tuy nhiên, với quy định hành chính trên của NHNN sẽ làm một số ngân hàng nhỏ thua lỗ và gặp nhiều khó khăn. Vị giám đốc này giải thích: Lãi suất cho vay chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nhưng yếu tố về giá vốn huy động được coi là quan trọng nhất làm cơ sở để ngân hàng quyết định lãi suất cho vay.
Thời gian qua, các ngân hàng thiếu thanh khoản, chạy đua lãi suất huy động với lãi suất “khủng” mà nay theo quy định phải kéo các khoản vay cũ xuống sẽ khó tránh khỏi việc thua lỗ. “Các khoản cho vay tiêu dùng vốn rủi ro cao nên phải chịu lãi suất cao. Nếu đưa về 15%, rất có thể ngân hàng sẽ gánh chịu thiệt hại lớn” - vị giám đốc này trần tình.
Chủ tịch HĐQT của một NHTM lớn cũng đồng tình cho rằng, không thể đánh đồng tất cả các lĩnh vực cho vay và các DN để một lượt đưa lãi suất tất cả các khoản vay cũ xuống 15%/năm mà cần phải có thời gian và lộ trình để thực hiện. “Một số DN kinh doanh thua lỗ do đầu tư sai, đầu tư không đúng mục đích, nợ quá hạn kéo dài thì chưa thể xét giảm lãi suất” - vị này khẳng định. Để các NHTM thực hiện một cách đồng bộ, NHNN cần hướng dẫn chi tiết cách phân loại các khoản vay và đối tượng khách hàng một cách hợp lý nhất để các ngân hàng thực hiện.
| |
Hạnh Nhung