Kéo giảm tai nạn giao thông do “ma men”: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Tai nạn giao thông (TNGT) tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng vẫn ở mức cao. Đáng chú ý hơn, trong số các nguyên nhân dẫn đến TNGT, hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vẫn chiếm phần lớn và có chiều hướng gia tăng. 

Hậu quả nghiêm trọng

Lúc 0 giờ sáng 21-4, Chu Nguyên Vinh (43 tuổi, ngụ quận 7) điều khiển xe bán tải Ford Ranger lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (hướng quận Bình Thạnh đi quận 1) với tốc độ rất nhanh. Khi đến nút giao với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bến Nghé, quận 1), Vinh không làm chủ được tốc độ, lái xe “vẽ rồng vẽ rắn” và tông vào dải phân cách. Sau khi lộn nhiều vòng, chiếc xe do Vinh cầm lái lao sang chiều ngược lại và văng trúng 6 xe máy đang dừng đèn đỏ. Hậu quả làm 1 người tử vong tại chỗ, 1 người tử vong khi chuyển đến bệnh viện cấp cứu, 5 người người khác bị thương nặng.

Công an quận 1 xác định Chu Nguyên Vinh đã uống bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Đó là một trong số hàng trăm vụ TNGT do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2018. 

Kéo giảm tai nạn giao thông do “ma men”: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn ảnh 1 Hiện trường vụ TNGT do Chu Nguyên Vinh gây ra làm 2 người chết, 5 người bị thương

Trung tá Nguyễn Tú Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Phú Lâm (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - PC67 - Công an TPHCM), cho biết người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là hành vi vi phạm giao thông phổ biến hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT để lại hậu quả thương tâm. Tại khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố - nơi Đội CSGT Phú Lâm phụ trách, trong 9 vụ TNGT làm 9 người chết xảy ra từ đầu năm đến nay, phần lớn nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông. 

Quan sát của PV SGGP vào những ngày cuối tuần gần đây, tối thứ  bảy 28-7 và chủ nhật 29-7, trên các tuyến đường Phạm Hùng (Bình Chánh), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Vành Đai Trong, Tên Lửa, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Trần Não (quận 2)…, người dân sau khi ăn nhậu tại các quán ăn, nhà hàng vẫn vô tư điều khiển, lái xe máy, ô tô lưu thông trên đường. Đối tượng vi phạm không chỉ có đàn ông, thanh niên, trung niên mà có cả phụ nữ. Đáng lưu ý, khi bị CSGT dừng xe, lập biên vi phạm, xử phạt, nhiều trường hợp còn lấp liếm, phản ứng, cho rằng CSGT “làm quá”, “uống 1-2 lon thì nhằm nhò gì”, “uống nhưng biết điểm dừng mà, vẫn lái xe tốt, kiểm soát được tốc độ”…  

Xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Trước tình hình TNGT, nhất là TNGT có nguyên do vi phạm nồng độ cồn, diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2018, Phòng PC67 Công an TPHCM cho biết: Đầu tháng 6-2018, đơn vị đã mở đợt cao điểm ra quân xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Đợt cao điểm kéo dài đến hết tháng 9-2018. Theo đó, hàng đêm, các đội trực thuộc PC67 đều chủ động và phối hợp với các lực lượng liên quan như cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, công an các quận - huyện làm nhiệm vụ. Tính đến nay, lực lượng CSGT TPHCM đã kiểm tra 3.892 lượt; phát hiện, lập biên bản xử lý 95 trường hợp; tạm giữ 36 mô tô, 48 ô tô con, 3 ô tô tải. 

Để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, CSGT tăng cường lực lượng, các trạm, điểm chốt, xử lý vào các ngày cuối tuần, tại các tuyến đường, khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi có đông khu dân cư. PC67 sẽ tập trung xử lý theo kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, sẽ kiểm tra theo 2 bước. Bước 1 (kiểm tra định tính), tức tài xế có thể ngồi trực tiếp trên xe để CSGT kiểm tra nồng độ cồn bằng máy thông minh. Khi máy báo hiệu không có nồng độ cồn, tài xế được đi ngay. Ngược lại, nếu máy báo hiệu có nồng độ cồn, tài xế được CSGT hướng dẫn lái xe vào trong khu vực kiểm tra bước 2. Bước 2 (kiểm tra định lượng), CSGT kiểm tra cụ thể mức nồng độ cồn trong cơ thể tài xế để xử lý theo khung mức quy định. 

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC67, việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong xử lý vi phạm vì rút ngắn được công đoạn, kiểm tra được nhiều trường hợp trong thời gian ngắn, tài xế không phải phiền lòng vì chờ lâu, tỷ lệ máy đo chính xác hơn… Việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế sẽ được triển khai rộng rãi, quyết liệt, thường xuyên hơn trong thời gian tới. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT và hậu quả để lại của lực lượng CSGT TPHCM trong thời gian tới.

Theo Phòng PC67 Công an TPHCM, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TPHCM xảy ra 353 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 337 người chết và 91 người bị thương. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn do người điều khiển phương tiện cùng lúc vi phạm nhiều lỗi, có nồng độ cồn trong cơ thể vượt mức quy định cho phép. Khi lái xe trong tình trạng có hơi men dễ làm phát sinh, kéo theo nhiều vi phạm khác như lưu thông quá tốc độ, đi không đúng chiều đường, vượt đèn đỏ… gây tai nạn.

Tin cùng chuyên mục