Kết nạp Đảng ở Trường Sơn

Thấy trai làng náo nức lên đường tòng quân, anh Nguyễn Hữu Quý liền chạy về nói với cha: “Tướng con to cao khỏe mạnh, cha hãy cho con lên đường nhập ngũ nhé…”. Người cha không nỡ cản đường đứa con trai yêu quý đang là trụ cột của gia đình nên ông chỉ còn biết dặn dò con vào bộ đội hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kết nạp Đảng ở Trường Sơn

Thấy trai làng náo nức lên đường tòng quân, anh Nguyễn Hữu Quý liền chạy về nói với cha: “Tướng con to cao khỏe mạnh, cha hãy cho con lên đường nhập ngũ nhé…”. Người cha không nỡ cản đường đứa con trai yêu quý đang là trụ cột của gia đình nên ông chỉ còn biết dặn dò con vào bộ đội hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhập ngũ vào giữa năm 1968, chỉ sau 2 tháng huấn luyện, anh được lệnh vượt Trường Sơn, vào chiến trường miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Vừa hành quân vượt Trường Sơn, anh Quý vừa tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, đường 9 Nam Lào… Tuy mới tham gia chiến đấu những trận đầu nhưng anh đã được trao tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ vẻ vang”…

Một lần vừa đi chiến đấu về, chưa kịp gác súng, anh được cán bộ chỉ huy gọi lên báo tin vui: “Lát nữa đơn vị sẽ tổ chức lễ kết nạp Đảng cho cậu đó…”. Anh không giấu được niềm vui xen lẫn niềm tự hào khi nhìn đồng đội dựng lán, hái hoa dại trong rừng về kết hoa, treo ảnh Bác giữa rừng Trường Sơn để làm lễ kết nạp Đảng. “Được kết nạp Đảng trên đỉnh Trường Sơn là niềm vinh dự lớn mà không phải ai cũng có được, vì thế đó là kỷ niệm đẹp mà suốt đời tôi không quên…” - anh Quý bộc bạch.

Anh Nguyễn Hữu Quý (giữa) về thăm bà con ở chiến trường xưa.

Anh Nguyễn Hữu Quý (giữa) về thăm bà con ở chiến trường xưa.

Trở thành đảng viên trong thời mưa bom bão đạn nên lễ kết nạp Đảng vô cùng có ý nghĩa. Đứng giữa rừng Trường Sơn, anh hô vang lời thề thiêng liêng như trung thành với Đảng, suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân… Trở thành đảng viên, anh càng sống gương mẫu hơn, luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ.

Sau 3 tháng vượt Trường Sơn, anh vào đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, rồi sau đó được phân công xuống chiến đấu ở chiến trường Đồng Tháp Mười cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Là bộ đội “nằm vùng” hàng chục năm ở chiến trường Đồng Tháp Mười nên tác phong, cách sống hào sảng và hết mình của anh giống đặc sệt dân Nam bộ. Tại đây, anh tâm đắc nhất là lúc nào bộ đội cũng được đồng bào một lòng thương yêu, che chở. Chính vì thế mà mỗi lần về thăm chiến trường xưa, bà con, đồng đội cũ cứ tay bắt mặt mừng chào đón anh. Là lính bộ binh, anh tham gia hàng trăm trận đánh nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ như chiến dịch Xuân Mậu Thân đợt 2, Junction City, Đồng Xoài, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Giải phóng miền Nam chưa được bao lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, anh lại được lệnh sang chiến trường Campuchia chiến đấu, lúc này anh đã là Trưởng ban Quân lực, một cán bộ chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường nên cầm quân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phục vụ quân đội được hơn 30 năm, anh chuyển ngành sang làm cán bộ Đoàn tiếp viên Hàng không Việt Nam. Tại đây, một lần nữa anh lại phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Từ lúc cơ quan chưa có chi bộ Đảng, anh là một trong những đảng viên đầu tiên gầy dựng tổ chức cơ sở Đảng. Anh trực tiếp bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp 17 đảng viên, trong đó có nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt của cơ quan. Năm nay anh Nguyễn Hữu Quý (ngụ tại đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình) đã 63 tuổi đời, 43 tuổi Đảng nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương. 

NGỌC LAN

Tin cùng chuyên mục