Tính từ khi dự án đầu tiên đi vào hoạt động năm 2005 đến tháng 9- 2015, đã có 102 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,9 tỷ USD, trong đó nguồn vốn trong nước đạt gần 900 triệu USD và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 4 tỷ USD. Tổng giá trị sản xuất lũy kế đến nay đạt hơn 13,6 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD. Sản phẩm của Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của TPHCM… Song đây chỉ là một trong nhiều kết quả sau 13 năm thành lập SHTP.
Đóng góp hiệu quả vào kinh tế thành phố
Tính đến tháng 9-2015, số dự án còn hiệu lực là 82 với tổng vốn đăng ký là 4,38 tỷ USD. Cụ thể, 46 dự án đang hoạt động chiếm tỷ lệ 56%, 36 dự án chưa triển khai chiếm 44% (trong đó, 1 dự án đã xây dựng xong chưa đi vào hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng, 7 dự án đang làm thủ tục xây dựng, 2 dự án chậm triển khai, 16 dự án mới cấp phép năm 2015).
Ban Quản lý SHTP và Tổ hợp Nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (MINIMAL) của Nhật Bản ký kết hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab) cho ngành vi mạch
Toàn SHTP đã tạo ra trên 22.000 việc làm ổn định, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 100%. Số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, trung cấp trở lên đạt khoảng 30% trên tổng số lao động hiện có. Sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đã được sản xuất và xuất ra thị trường thế giới như chipset, SoC, CPU (của Intel), module cảm biến kỹ thuật số (của DGS), máy in (của Jabil), thiết bị đọc mã vạch (của Datalogic), thuốc chữa bệnh viêm gan siêu vi B, C (của Nanogen), động cơ bước (của Nidec), phần mềm (của FPT Software), máy nối chân vi xử lý (của GES) và thiết bị trợ thính (của Sonion)…
Giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của SHTP bình quân trong 4 năm giai đoạn 2011 - 2014 và 9 tháng năm 2015 đạt hơn 90% so với giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của thành phố, còn nếu so với giá trị xuất khẩu của thành phố (không tính dầu thô) thì tỷ lệ xuất khẩu của SHTP đã tăng đều qua các năm (bình quân tăng khoảng 5%/năm, từ 5% trong năm 2011 đã tăng lên 14,19% trong năm 2014 và đạt 18% trong 9 tháng đầu năm 2015)… Các kết quả này minh chứng cho hiệu quả của SHTP trong sự phát triển của thành phố, qua việc đóng góp thu hút nguồn vốn đầu tư FDI cho tăng trưởng kinh tế TPHCM.
Xây dựng chuỗi giá trị gia tăng
Chính sách thu hút nhà đầu tư bằng cạnh tranh giá thuê đất thấp không phải là một chiến lược lâu dài. Giá trị từ dịch vụ hạ tầng và tiện ích hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhà đầu tư. Nhận định đó được khẳng định trong lịch sử phát triển của SHTP, đặc biệt với hai mốc đột biến về thu hút vốn FDI vào Khu Công nghệ cao: Thu hút dự án của Tập đoàn Intel (năm 2006 - 1 tỷ USD) và dự án của Tập đoàn Samsung (năm 2014 - 1,4 tỷ USD). Một xu hướng có tính quy luật là khi những dự án “tỷ đô” công bố đầu tư thì các dự án vệ tinh, công nghiệp phụ trợ cũng nối tiếp theo chân doanh nghiệp đó vào khu sản xuất lân cận. Điều đó cho thấy chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI lớn cần một sự chuẩn bị bài bản, có dự báo và lập kế hoạch triển khai phù hợp với văn hóa và tập quán của nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, cần thúc đẩy nhanh chuỗi cung ứng nội địa, mà trong đó các doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong nước có sản phẩm đáp ứng tiêu chí của nhà đầu tư FDI từng bước tham gia và tiến tới mục tiêu trở thành nhà cung ứng cấp một nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp bản địa. Vấn đề này cần các chính sách cũng như biện pháp hỗ trợ thật sự mạnh mẽ từ phía nhà nước và chính quyền thành phố trong thời gian sắp tới.
Để phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong nước, bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách hỗ trợ cần thúc đẩy cơ chế vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp triển khai hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI hàng đầu cần có chính sách và cơ chế hỗ trợ đặc biệt từ phía nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong SHTP có thể phát triển và đứng vững trên thị trường quốc tế là nhờ những tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được đầu tư khá bài bản, mà Công ty Nanogen là một ví dụ điển hình.
| |
LÊ HOÀI QUỐC
(Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM)