Kết nối đan lát thủ công với người trẻ

Tại không gian triển lãm “Thách thức sáng tạo 2022” tại TPHCM (thuộc Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2022), khu trưng bày các tác phẩm dự án “Sống” nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. 
Kết nối đan lát thủ công với người trẻ

Là một trong số khán giả có mặt trực tiếp tại buổi trò chuyện chia sẻ về ý tưởng, quá trình thực hiện của dự án “Sống”, Thiện Mỹ (sinh viên năm 4, Trường Đại học Kiến trúc) chia sẻ: “Trước đây em từng trải nghiệm đan len nhưng đây là lần đầu tiên em được đan bằng các loại vật liệu tự nhiên như bèo ép cói, cỏ bàng. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, được tiếp xúc với những vật liệu này khá mới mẻ”. Phần quà Thiện Mỹ nhắc đến là tác phẩm đan lát bằng cây lục bình ép khô do chính tay cô thực hiện sau khi được hướng dẫn các bước cơ bản.  

Trong số 4 tác phẩm/không gian sáng tạo được trưng bày tại triển lãm, dự án “Sống” đặc biệt hơn cả khi đây là cặp đôi duy nhất được ghép. Trong khi các cặp đôi khác đã có ý tưởng, khảo sát và thậm chí sản xuất một phần, cặp đôi The Sun Lab và Nguyễn Huyền Châu mới bắt đầu làm quen với nhau.  

Huyền Châu vốn có nền tảng nghiêng về thị trường, thương mại và quản lý dự án có tác động xã hội. Tuy nhiên, cô đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố mang tính văn hóa truyền thống, làng nghề để tìm giải pháp phát triển lâu dài. 4 thành viên còn lại của The Sun Lab: Quỳnh Giao, Phương Khanh, Nhật Khánh, Nguyên Sa là bạn học chung trường đại học với ước mơ một ngày nào đó không xa sẽ đủ tài chính mở studio thiết kế riêng. Mỗi người phụ trách một mảng từ tư vấn, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quản lý dự án, thiết kế đồ họa…   

Có lẽ vì đều yêu thích sáng tạo, văn hóa truyền thống và muốn gửi gắm vào đó tinh thần của người trẻ nên cả hai nhanh chóng cùng lên kế hoạch xây dựng dự án, bắt tay thực hiện mọi thứ khá trơn tru. “Chúng mình muốn đưa kỹ thuật đan lát truyền thống về sống trong đời thường, đó là lý do dự án được đặt tên là “Sống”. Trong quá trình nghiên cứu và thực địa, chúng mình nhận ra, ngoài vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề đan lát ở Việt Nam, việc tạo cơ hội cho người trẻ được tiếp xúc với những yếu tố tự nhiên và phát triển trực giác đã bị quên lãng hiện nay cũng cần được quan tâm”, đại diện The Sun Lab chia sẻ. 

Sản phẩm đầu tiên cặp đôi phát triển là một bộ kit đan lát thủ công từ vật liệu tự nhiên, vật liệu tái chế, dành cho giới trẻ, nhân viên văn phòng - những người ít có điều kiện thực hành đan lát truyền thống như một cách giảm căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, họ còn có một thư viện trực tuyến lưu trữ hoa văn, họa tiết và các dữ liệu như nơi xuất phát vật liệu, hoa văn, hướng dẫn đan… Ngoài ra, kênh YouTube mới thành lập của The Sun Lab cũng đăng tải những video đầu tiên hướng dẫn một số kiểu đan cơ bản cho người mới bắt đầu. 

The Sun Lab thừa nhận, vì dự án còn khá mới nên mọi thứ đang trong giai đoạn tìm hiểu, khám phá. Quỳnh Giao cho biết, bản thân sản phẩm phải có người sử dụng mới tạo ra tác động sâu rộng hơn. Nhóm cũng đặt mục tiêu trong tương lai, thư viện hình ảnh, video của nhóm có thể thu phí để hỗ trợ lại làng nghề và tăng tính kết nối với người trẻ.

Tin cùng chuyên mục