Trong nhiều năm qua, ngành y tế Việt Nam nói chung và y tế TPHCM nói riêng đã có nhiều bước phát triển đáng kể cả về chuyên môn kỹ thuật cho đến chất lượng phục vụ người bệnh. Mới đây, Bộ Y tế đã xúc tiến xây dựng đề án “Giảm người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam” và để đề án sớm trở thành hiện thực, phải thực hiện đồng bộ hai giải pháp: Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối đồng thời không ngừng phát triển năng lực y tế cơ sở nhằm tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các tuyến y tế cơ sở. Đây là niềm mong đợi chính đáng của mỗi thầy thuốc và cũng là trách nhiệm của mỗi cơ sở khám, chữa bệnh đang đứng trước những thách thức mới trong tình hình mới hiện nay.
Hai giải pháp này đòi hỏi ngành y tế phải có những bước đi mang tính sáng tạo và đột phá, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quản trị bệnh viện, nhưng yếu tố mang tính quyết định vẫn là nguồn nhân lực y tế, trong đó rất cần sự đồng bộ giữa phát triển đội ngũ các thầy thuốc tham gia công tác khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở từ trạm y tế đến các bệnh viện tuyến huyện cho đến các thầy thuốc công tác tại các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật.
Nếu như thông tin về các kỹ thuật chuyên sâu triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố được nhiều người quan tâm và động viên thì những hoạt động “rất đỗi bình thường” của các thầy thuốc đang công tác tại các bệnh viện tuyến huyện, và nhất là các trạm y tế thì ít được nhắc đến, thậm chí các bác sĩ còn cảm nhận bị “đơn lẻ một mình” trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Hiện nay, toàn ngành y tế đang chuyển đổi mô hình hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, bên cạnh đòi hỏi phải nỗ lực triển khai các hoạt động quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn, còn rất cần sự chia sẻ và kết nối giữa các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối với các bác sĩ đang công tác tại các trạm y tế. Trong những năm qua, việc luân phiên các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện quận, huyện và thành phố xuống các trạm y tế trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh cho người dân; rồi mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế, mô hình “chuỗi phòng khám đa khoa” của bệnh viện tuyến huyện, đã được ngành y tế triển khai thành công, thu hút đông đảo người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Bên cạnh đó, “quy trình báo động đỏ”, “mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh” cũng đã phát huy tác dụng trong cấp cứu người bệnh tình trạng nguy kịch, cũng đã góp phần tạo niềm tin cho người dân đối với y tế cơ sở.
Một hoạt động khác mới được ngành y tế TPHCM triển khai nhằm lấp đầy khoảng trống chưa được kết nối giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, đó là ứng dụng “hội chẩn từ xa dành cho các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế”. Với ứng dụng này, các bác sĩ tại các trạm y tế dễ dàng trao đổi ý kiến tư vấn chuyên sâu với các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện thay vì phải chuyển người bệnh đến các bệnh viện. Điều quan trọng và thật sự ý nghĩa hơn khi các bác sĩ công tác ở trạm y tế không còn cảm thấy đơn lẻ một mình, lúc nào cũng có các đồng nghiệp là các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ.
Thực tiễn của ngành y tế TPHCM đã minh chứng rằng khi có sự kết nối thật sự giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới trong hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, trong hỗ trợ cấp cứu người bệnh nguy kịch, trong hỗ trợ nguồn nhân lực tham gia hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, cho đến sự kết nối giữa các bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại các bệnh viện tuyến cuối với các bác sĩ gia đình, bác sĩ đa khoa đang công tác tại trạm y tế chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, sự kết nối hiệu quả giữa ngành y tế với các ban ngành khác là một yêu cầu từ thực tiễn không thể thiếu, sẽ làm tăng hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm lo sức khỏe cho người dân. Y tế kết nối với ngành công an là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh và bảo vệ nhân viên y tế trong lúc hành nghề; y tế kết nối với ngành du lịch chắc chắn sẽ thúc đẩy du lịch y tế phát triển; y tế kết nối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ tăng cường hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh và các bậc phụ huynh về phòng chống dịch bệnh và quản lý sức khỏe học sinh; y tế kết nối với ngành thông tin truyền thông sẽ thúc đẩy hiệu quả việc xây dựng y tế thông minh; y tế kết nối với ngành nông nghiệp sẽ triển khai hiệu quả phòng chống đề kháng kháng sinh…
Điều đáng mừng và đáng được trân trọng khi nhân viên y tế của TPHCM, ở nhiều vị trí công tác khác nhau, đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của sự kết nối trong và ngoài ngành y tế, đã và đang vận dụng vào thực tiễn một cách sinh động và sáng tạo và mang lại nhiều kết quả thiết thực trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.