Kết nối giao thông để phát triển đột phá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

“Làm sao sau hội nghị này hạ tầng giao thông sẽ phát triển chứ không phải đến dự rồi về là xong”- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh tại hội nghị chuyên đề Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do UBND TPHCM tổ chức sáng nay 18-8.
Kết nối giao thông để phát triển đột phá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

“Làm sao sau hội nghị này hạ tầng giao thông sẽ phát triển chứ không phải đến dự rồi về là xong”- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh tại hội nghị chuyên đề Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do UBND TPHCM tổ chức sáng nay 18-8.

Tham gia hội nghị có lãnh đạo 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và các bộ, ngành liên quan.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cao Thăng

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, để phát triển được thì phải đảm bảo về mặt kết cấu hạ tầng giao thông mới đảm bảo được các vấn đề khác. Với vai trò Chủ tịch của vùng kinh tế phía Nam, TPHCM sẽ cùng các tỉnh thành trong vùng góp ý xây dựng đề án cụ thể để thực hiện tập trung vào hạ tầng giao thông. Đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch vùng) tổng kết Nghị quyết 53 (11 năm) nhằm đánh giá lại kết quả làm được, còn những tồn tại khó khăn gì để báo cáo Chính phủ. Để làm được cần xây dựng cơ chế kinh tế vùng dưới sự điều hành của Chính phủ, nếu không có thì không thể làm được vì lãnh đạo giữa các tỉnh thành không thể chỉ đạo lẫn nhau được. Vì vậy cần phải có người của Chính phủ chủ trì mới thực hiện được.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, để thực hiện chương trình này, các tỉnh thành cần cập nhật bổ sung lại quy hoạch từng vùng, xây dựng hình thức huy động vốn. Tổ chức hội thảo về phát triển kinh tế vùng, triển khai nhanh các dự án hạ tầng làm ngay trong việc kết nối vùng. Thành lập Tổ điều phối kết nối giao thông vùng do Sở GTVT TPHCM chủ trì, cách thức triển khai, dự án, vốn đầu tư, thời gian làm xong như thế nào...; cần phải huy động mọi nguồn vốn chứ không thể chờ vào vốn ODA. Tập trung giải quyết sớm các cầu trên sông Sài Gòn để đường thủy phát triển. Riêng Chủ tịch các tỉnh, thành trong vùng phải 6 tháng họp 1 lần.

Quang cảnh Hội nghị chuyên đề Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Cao Thăng

Về hiện trạng quy hoạch và công tác đầu tư các tuyến chính kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND TPHCM cho biết: Hướng phía Đông với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây; cao tốc Biên Hòa - Vùng Tàu, chiều dài khoảng 76 km, quy hoạch 6 đến 8 làn xe; QL1 đoạn qua TPHCM có tổng chiều dài khoảng 50,5km, trong đó các đoạn kết nối phía Đông với các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; QL 1K dài 10,2km (đoạn qua TPHCM dài 2,5Km); hướng kết nối quận 2 TPHCM với huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai thông qua phà Cát Lái.

Hướng kết nối Đông Bắc với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước có QL13, cao tốc TPHCM- Thủ Dầu Một- Chơn Thành.

Hướng Tây Bắc đi tỉnh Tây Ninh gồm QL22, cao tốc TPHCM- Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).

Hướng phía Tây, Tây Nam đi các tỉnh Long An, Tiền Giang có các đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, Bến Lức- Long Thành, QL1, 50, Tỉnh lộ 10 và các tuyến đường vành đai 2,3, 4…

TPHCM kiến nghị các tỉnh phối họp với Bộ Giao thông Vận tải rà soát điều chỉnh quy mô phù họp với tình hình thực tế với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển nhóm 5 (đã được phê duyệt) nhằm điều phối lượng hàng hóa giữa các cảng biển do lượng hàng hóa theo quy hoạch đã lạc hậu. Đặc biệt là sản lượng hàng hóa qua cảng Tân Cảng, Cát Lái đã vượt xa so với quy hoạch. Kiến nghị kết nối kéo dài đoạn từ trạm 2 quận Thủ Đức đến đường vành đai 3 vượt qua sông Đồng Nai đi thẳng đến đường vành đai 4 nhằm kết nối  khu vực nằm giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường QL1 của tỉnh Đồng Nai và quận 9 TPHCM. Cùng với hàng loạt tuyến đường về hướng Bình Dương, Tây Ninh.. khẩn trương mở rộng kết nối hoàn chỉnh.

Khi triển khai  đầu tư các dự án kết nối với TPHCM và các tỉnh theo nguyên tắc như sau: Đối với các dự án do địa phương đầu tư, TPHCM đảm nhận phần xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính, tỉnh liên quan đảm nhận phần xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn địa phương đó. Đối với các dự án kết nối băng cầu vượt, cầu qua sông,TPHCM đảm nhận phần xây dựng chính, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP, các tỉnh đảm nhận chi phí xây dựng các hạng mục kết nối và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh. Đối với các dự án do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đảm nhận chi phí xây dựng, các tỉnh, TP đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án có trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư Vùng, đề nghị UBND các tỉnh, TP quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích đối với quỹ đất xây dụng; bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Cao Thăng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trước đây tỉnh đã kiến nghị kết nối với nhau nhằm phát triển giao thông lợi ích tỉnh và vùng lân cận. Dự án sân bay Long Thành kéo dài tương đối lâu nên đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ. Cảng Cái Mép (khai thác 8%) được công nhận cảng Quốc gia nhưng lại thiếu kết nối hạ tầng như đường cao tốc, đường ray xe lửa, nạo vét luồng lạch. Để phát huy hiệu quả cảng này cần phải kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Về việc vốn đầu tư thì TPHCM giúp luôn vì nguồn vốn của tỉnh cũng khó khăn.

Tỉnh Đồng Nai nhất trí cao với ý kiến của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cần làm sớm xây dựng sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, cao tốc TPHCM – Long Thành –Dầu Giây  cần mở rộng theo đúng quy hoạch; cao tốc Bến Lức-Long Thành việc giải phóng mặt bằng khó khăn về vốn, đường vành đai 3 sắp xếp triển khai sớm, tuyến đường sắt đô thị TPHCM phải kéo đến ngã 3 Vũng Tàu trước, sau đó đến Hố Nai, cầu Cát Lái...

Tỉnh Bình Dương cho biết, tất cả giao thông từ tỉnh Bình Phước, TPHCM, Đồng Nai đều đi qua Bình Dương nhưng giao thông hiện nay đã quá tải, cần khẩn trương xây dựng đường vành đai 3, 4. Khẩn trương mở rộng QL13, cầu ông Dầu vì ngày nào cũng kẹt xe, nhất là ngã 3 Gò Dưa từ TPHCM đi Bình Dương và ngược lại ngày nào cũng kẹt xe, nếu làm được thì giao thông thông suốt. Đường thủy chưa phát huy được.

Đại diện tỉnh Long An cho rằng, cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu vực phía Nam, tuyến song song QL50 thống nhất phương án đầu tư (chịu giải phóng mặt bằng), QL1 Bộ GTVT quản lý , TPHCM mở rộng thì cũng nên đầu tư luôn cho Long An để đồng bộ, điều chỉnh vành đai 4 cho trùng vào một số tuyến N2 với Long An, hàng loạt tyến đường TPHCM về hướng Long An cần điều chỉnh bổ sung cho đồng bộ với Long An.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đây là vùng kinh tế trọng điểm, lượng hàng hóa chiếm 2/3 cả nước. Cả khu vực  mới chỉ có 91 km/743 km cao tốc cả nước là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển ở khu vực này. Còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; cục bộ về đường thủy, cảng, nguồn lực đầu tư, triển khai chậm, thiếu đồng bộ. Đầu mối TPHCM thường bị tắc nghẽn do đường vành đai triển khai quá chậm. Nếu không khẩn trương xây dựng các đường vành đai thì kẹt xe ngày càng trầm trọng. Thủ tục còn nhiêu khê, như sân bay Long Thành đã nhìn nhận cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Trong khi đó, cảng Cái Mép hạ tầng hoàn chỉnh nhưng chưa khai thác hiệu quả... Từ những vấn đề này dẫn đến chi phí vận tải cao. Trước hết, cần quy hoạch làm ngay những cái gì cần kết nối, chuyển đổi phương thức vận tải, khẩn trương triển khai hệ thống đường cao tốc, đường vành đai thay vì cứ mở rộng các tuyến hiện nay, làm như vậy chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn. Khẩn trương ưu tiên khép kín đường vành đai, cao tốc, xây dựng sân bay Long Thành, đường sắt làm đoạn cảng Cái Mép về đến Trảng Bom và về Tây Ninh nhưng nguồn vốn rất lớn trên 104 tỷ USD. Về mở rộng QL22 đề nghị làm cao tốc song hành luôn thay vì mở rộng mất thời gian và chi phí quá lớn. QL13 cũng vậy làm cao tốc Chơn Thành về TPHCM, vành đài 3 Tân Vạn- Nhơn Trạch khẩn trương kết nối đường này. Riêng vành đai 4 làm từng đoạn vì nguồn vốn khó khăn không thể làm nhanh được...

Tại hội nghị, đại diện Văn Phòng Trung ương cho biết, Bộ Chính trị rất quan tâm các địa phương liên kết với nhau để phát triển bền vững. Các văn bản quy định đầy đủ, thời gian qua, 2/3 địa phương các tỉnh phía Nam đều kiến nghị về kết nối hạ tầng giao thông. Với tư cách Chủ tịch vùng, TPHCM tổng hợp ý kiến của các tỉnh đề xuất kiến nghị các vấn đề của vùng cần làm để Bộ Chính trị có hướng giải quyết nhanh hơn. Để có tính hiệu quả nên chọn những dự án kết nối giữa địa phương và liên vùng. Các tỉnh thành cũng nên làm việc với các bộ, ngành để thống nhất cơ chế đặt thù, tức là TPHCM và các địa phương kiến nghị Chính phủ cho phát hành trái phiếu Chính phủ, xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Nhận định về việc kết nối hạ tầng giao thông vùng, đại diện Bộ KH - ĐT cho rằng, kết nối giao thông là khâu đột phá để mở ra các hướng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, về đường bộ, theo báo cáo của TPHCM đến năm 2020 hoàn thành trên 580km cao tốc thì không thể đạt được vì hiện tại chưa tới 100km. Thời gian qua, nhiều dự án kết nối vùng chưa được quan tâm đúng mức. TPHCM làm chủ trì và thành lập tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ này.

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, cần có cơ chế tài chính để thực hiện, hiện nay việc huy động vốn rất khó khăn.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục