Sáng 6-5, cử tri Pháp bắt đầu bỏ phiếu trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống, với hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ông François Hollande của đảng Xã hội cánh tả.
Các hãng thông tấn công bố dự đoán
Vào lúc 0 giờ 30 phút giờ VN ngày 7-5, hãng tin AFP trích dẫn công bố của các hãng tin lớn về kết quả dự đoán cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 cho thấy, ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande, 57 tuổi, đã giành chiến thắng.
Theo 3 viện thăm dò lớn của Pháp là CSA, TNS Sofres và Ipsos, ông Hollande đã đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy với tỷ lệ từ 52% đến 53% số phiếu ủng hộ. Trong khi đó, ông Sarkozy đạt được 48% số phiếu. Còn theo dự đoán của hãng Harris Interactive của Mỹ khoảng cách chiến thắng của ông Hollande và ông Sarkozy là 53,3% và 52,7%.
Như vậy các kết quả dự đoán này đều đúng với những cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Nếu kết quả đúng như vậy thì tỷ lệ chiến thắng của hai ứng cử viên tổng thống lần này còn sít sao hơn lần ông Sarkozy chiến thắng bà Segolene Royal - ứng cử viên của đảng Xã hội trong cuộc bầu cử năm 2007 - với tỷ lệ là 53,1% và 46,9%.
Hãng tin AFP cho biết nhiều đám đông đã tụ tập tại quê nhà của ông ở Tulle và trụ sở đảng Xã hội ở Paris để ăn mừng.
Cho đến ngày 4-5, các cuộc thăm dò vẫn dự báo ông Hollande thắng cử. Theo kết quả thăm dò cuối cùng do Ifop-Fiducial thực hiện, dự báo ông Hollande sẽ đắc cử với tỷ lệ 52% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Sarkozy được 48%. Đây là tỷ lệ cách biệt thấp nhất giữa hai ứng cử viên kể từ sau vòng một bầu cử tổng thống Pháp ngày 22-4 vừa qua (ông Hollande giành được 28,2% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Sarkozy nhận được 27% số phiếu).
Kết quả này sẽ khiến ông Sarkozy trở thành nhà lãnh đạo thứ 11 tại châu Âu bị phế ngôi do cuộc khủng hoảng kinh tế và đưa ông François Hollande trở thành tổng thống Pháp đầu tiên của đảng Xã hội sau 17 năm. Được hưởng lợi từ làn sóng giận dữ ông Sarkozy do sự bất lực trong việc kiềm chế nạn thất nghiệp tăng cao trong nhiệm kỳ 5 năm của vị đương kim tổng thống này, ông Hollande đang dẫn trước ông Sarkozy từ 4 đến 8 điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến cuối cùng trước bầu cử.
Báo chí Pháp “chốt” khả năng thắng bại
Trong diễn biến liên quan, một ngày trước vòng hai cuộc bầu cử, báo chí Pháp ra ngày 5-5 đã chốt lại khả năng thắng-bại của ứng cử viên cánh tả François Hollande và ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy.
Nhật báo Le Monde đã trở lại cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 2-5 để kết luận trên hàng tựa trang nhất: “Sau cuộc tranh luận, ông Hollande vẫn là ứng cử viên nhiều triển vọng nhất”. Tờ L’Humanité của đảng Cộng sản Pháp thì xác định: “Để sa thải tổng thống đương nhiệm và đột phá thành trì châu Âu, chỉ có một lá phiếu duy nhất vào ngày 6-5: phiếu của ứng cử viên đảng Xã hội”.
Riêng báo Libération cánh tả độc lập thì dẫn lời ông François Bayrou, Chủ tịch Phong trào Dân chủ MoDem, một người có gốc cánh hữu, tuyên bố công khai rằng ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên cánh tả Hollande. Trong một cuộc họp báo, ông Bayrou đã giải thích rõ ràng lý do vì sao ông bỏ phiếu cho cánh tả: đó là vì ứng cử viên cánh hữu đã bỏ rơi các giá trị nền tảng của phe hữu để chạy theo cánh cực hữu.
Trong khi đó, báo chí cánh hữu vẫn tiếp tục “nổ súng” vào ứng cử viên cánh tả và cổ vũ cho ông Sarkozy. Tờ Les Echos tóm tắt cục diện hiện nay trong hàng tít: “Trước một Hollande nhiều triển vọng, Sarkozy hy vọng một sự bật dậy” nơi cử tri thiên hữu.
Khó khăn chồng chất lên vai người chiến thắng
Cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, sẽ phải đảm nhận cương vị tổng thống trong nhiệm kỳ 5 năm với nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bên cạnh sứ mệnh phải đưa nước Pháp vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ phải vất vả để trấn an các đối tác châu Âu và cải thiện quan hệ với Brussels.
Nguyên nhân là vì trong chiến dịch vận động tranh cử, cả hai ứng viên, ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande đều chỉ trích gay gắt Liên minh châu Âu (EU). Theo giới phân tích, những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào EU trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp 2012 đã làm cho Brussels ngạc nhiên. Đối với hai ứng viên tổng thống Pháp, mọi khó khăn, khủng hoảng, thất nghiệp, đình đốn kinh tế, bất bình xã hội, nạn nhập cư lậu..., tất cả đều do EU.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp còn có nguy cơ tác động đến trục hợp tác Paris - Berlin trong tiến trình xây dựng châu Âu. Theo giới quan sát, Thủ tướng Đức Merkel đang tăng cường phối hợp và thảo luận với đồng nhiệm Ý Mario Monti trên các vấn đề châu Âu. Đến mức mà báo chí Ý bình luận rằng Rome có thể thay thế Paris trong mối quan hệ ưu tiên của Đức tại châu Âu.
| |
HẠNH CHI (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2: Hai ứng viên tranh luận trực tiếp trên truyền hình