Đúng là cực chẳng đã mới phải nhập viện và khi ra viện rồi người bệnh nào cũng mong có một cuộc đời như trong chuyện cổ tích với kết thúc nhất thiết phải có hậu, kiểu như: thế rồi họ lành bệnh và sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau mà… không lo bệnh tái phát!
Người bạn tôi, cũng xin miêu tả một chút, có dung nhan không thua kém các nhân vật cổ tích, nghĩa là mặt mũi như ông Bụt, cũng tai to, mặt lớn, cũng bụng bự, mắt mí lót, thi thoảng nở nụ cười xa xăm. Nhìn anh ai cũng nghĩ tay này kiểu gì cũng sống thảnh thơi, sống ra sống, sống tràn trề hạnh phúc, sống không ngoảnh lại trách cứ quá khứ… Nhưng trong đời thường, thật ra có khác với cổ tích là anh cũng phải nhập viện như chúng ta - lũ người thường - bởi một cơn tai biến nhẹ và thế là có một câu chuyện bắt đầu rằng ngày xửa, ngày xưa, ở một vương quốc xa lắm…
B. - người bạn này - sau khi nằm ở phòng cấp cứu được đưa lên lầu 6 của bệnh viện C. - một bệnh viện được xếp hạng tốp các bệnh viện có thương hiệu nhất nhì nước. Là ngày thứ bảy nên việc cấp cứu cũng gọn nhẹ, người ta chỉ hỏi anh huyết áp thường uống thuốc gì, “ăm lo” à, thôi thì thôi cứ “ăm lo” trước và chỉ nhắc nhẹ là phải thở bằng miệng vì mũi đã được bịt kín bằng bông gạc để ngăn ngừa chảy máu. Cái khổ là “ông bụt” này còn có “khuyến mãi” chứng tiểu đường nên máu khó cầm, cứ rỉ rả chảy cả lít. Đúng quy trình, người ta cũng bơm vào khoảng 60 mũi insulin cho đường huyết trở lại bình thường rồi thỉnh cầu các chuyên gia khoa tim mạch bắt mạch, bốc thuốc… Nghĩa là như chuyện thường ngày ở bệnh viện và chỉ có khác trong cổ tích là cái gì cũng phải tự lo nếu không muốn sớm quy tiên. Rời viện, sau 15 ngày nằm điều trị, tiều tụy, hốc hác ra mặt, nhưng anh chàng vẫn tự cười: sụt được 8 ký, chỉ uống thuốc và uống điều độ “2 ve” bia là không vấn đề gì.
Xuất viện anh cũng có chút băn khoăn của một ông Bụt tốt bụng: Mình quen hết các bác sĩ, từ giám đốc đến trưởng phó khoa… mà cũng thấy khổ, huống hồ người bệnh thường không quen ai… thì nó ra làm sao. Anh kể đo huyết áp thì cái máy đo bóp tay hình như nó cho số đo không khớp gì với bệnh. Bắt đo lại thì hóa ra cái máy nó bị hư - chắc do “tuổi cao, sức yếu” nên phải kiếm cái máy khác “có làm việc” để đo cho thông số chính xác. Rồi thì chuyện điều dưỡng làm việc không theo quy trình cứ hét toáng bệnh nhân nào tên B. giơ tay lên để chích thuốc mà không kiểm tra lại thẻ bệnh nhân đeo ở cổ tay vì phòng nằm có đến 2 bệnh nhân tên B… Lỡ chích nhầm người thì nó ra làm sao? Nhưng thôi ra viện là mừng. Quá khứ đã ở phía sau. Một bác sĩ quen cho toa thuốc cả chục loại nào giảm huyết áp, chữa tiểu đường lẫn thuốc tan cục máu bầm… Nhưng thị lực của B. suy giảm. Bỏ ra 500 ngàn đồng làm các xét nghiệm mắt thì bác sĩ chuyên khoa nói không phải do thị lực yếu mà bởi dây thần kinh số 7 bị chèn nên mắt nhìn “nó lóe sáng”, lại phải chữa trị theo phác đồ thông thường.
Nhưng mắt mũi chưa cải thiện đến đâu, B. lại mắc chứng chảy nước mũi ràn rụa. Lại đi chụp chiếu X.quang và bác sĩ quen phán ngay ông bị viêm xoang phải điều trị bằng kháng sinh mới đỡ. Thế là B. cặm cụi uống thuốc cả chục ngày, uống đến phờ phạc cả người mà mũi chảy vẫn hoàn chảy mũi, nghĩa là vẫn ở mức “tình trạng không khả quan”. Rồi bỗng nhiên hôm trước gặp nhau, B. mắt sáng lòa vì hết bệnh, kể lại hôm trước anh hỉ mũi nó bật ra miếng bông gạc cỡ đốt ngón tay: “Có lẽ nó nằm trong hốc mũi nên bác sĩ không gắp ra hết. Mà mình cũng may là không làm theo lời khuyên của bác sĩ là hạn chế tối đa hỉ mũi nếu không muốn bị chảy máu mũi”.
Câu chuyện này có thật và thật như trong cổ tích khi B. trở lại cuộc sống hạnh phúc của đời thường. Sáng qua, anh khoe cái tin nhắn của một người bạn gái: “Con nghi toi nhau lam gi, neu thich an mon gi, goi dien thoai cho em nau va mang den cho anh…”. Thật ra, tin nhắn không dấu này còn có nghĩa là “còn nghĩ tới nhậu làm gì…” vì đã tai biến… Nhưng trong thâm tâm, B. vẫn đinh ninh là nàng nhắn “còn nghĩ tới nhau làm gì…” với chút vấn vương một thuở… Và bởi thoát bệnh viện cái gì cũng có thể xảy ra: cả tình, cả tiền, cả ước mơ…
Kể lại chuyện này - chưa thấm vào đâu so với cảnh các người bệnh khác buộc phải nằm viện - để chứng kiến hàng ngày y đức của một bộ phận không nhỏ ngành y đang có vấn đề. Như người ta thường nói quen cũng mệt, không quen càng mệt hơn… và chỉ quen trả tiền mới mong đỡ mệt, đỡ khổ. Chúng ta đã đề xuất biết bao giải pháp giảm tải như xây mới bệnh viện, tạo chuỗi phòng khám vệ tinh, nói “không” với phong bì… nhưng tất cả sẽ không có tác dụng nếu không tăng y đức, không thực hiện nghiêm giáo huấn “lương y như từ mẫu”. Và tăng y đức là biện pháp căn cơ nhất để giảm tải bệnh viện, để người bệnh có quyền mơ ước như B., khi nhận tin nhắn đinh ninh là nó như vậy, nó “có hậu” như trong cổ tích.
BÍCH AN