Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa bế mạc. Tuy nhiên, những thỏa thuận vừa đạt được sau khi hội nghị kết thúc được đánh giá là quá khiêm tốn trước những gì mà thế giới đang phải đối mặt, từ bất ổn chính trị, an ninh mạng đến kinh tế… Một lần nữa, người Mỹ đã không được ủng hộ tại một diễn đàn quốc tế.
Mỹ bị chỉ trích từ kinh tế đến an ninh mạng
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện, song còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng đã kết thúc, đồng thời khuyến cáo việc thay đổi chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng và có sự phối hợp rõ ràng, trong đó có cảnh báo về rủi ro của việc Mỹ dần từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng, vốn giúp kích thích nền kinh tế nước này.
Nếu như kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cảnh báo có thể gây tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, thì vụ bê bối do thám tình báo và nghe lén của chính quyền Washington đã khiến Mỹ phải đối mặt với không ít chỉ trích của dư luận quốc tế cũng như một loạt đồng minh thân cận của nước này ở châu Âu và khu vực Mỹ Latinh. Tại các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Mexico Enrique Penõa Nieto bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi những cáo buộc cho rằng giới tình báo nước này đã tiến hành theo dõi hai nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh trên là nghiêm trọng, đồng thời cam kết hợp tác với hai bên để giải quyết vấn đề này. Trước đó, Tổng thống Penõa Nieto đề nghị giới chức Washington tiến hành điều tra thấu đáo vụ việc và làm rõ những người có trách nhiệm nếu như hành động do thám này vượt quá thẩm quyền.
Không ủng hộ Mỹ tấn công Syria
Theo Reuters, trong hai ngày của hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin và hàng loạt nhà lãnh đạo quốc tế đã gây sức ép lên Tổng thống Obama khi bày tỏ sự phản đối quyết liệt kế hoạch tấn công Syria. Cả ông Putin, đại diện Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đều cảnh báo can thiệp vào Syria mà không có sự ủng hộ của HĐBA LHQ sẽ dẫn tới những nguy cơ lớn. Các cuộc thảo luận đều kết thúc trong bế tắc do sự mâu thuẫn giữa các bên là quá sâu sắc. Bên lề hội nghị, Tổng thống Putin còn tuyên bố sẽ “sát cánh cùng Syria nếu Mỹ mở đợt tấn công quân sự vào nước này”. Hãng tin AFP bình luận “trên thực tế, lãnh đạo một số nước phương Tây ủng hộ quan điểm của ông Putin”. Trong khi đó, lãnh đạo Đức mặc dù đã ký vào tuyên bố toàn cầu kêu gọi “phản ứng mạnh” với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, nhưng khẳng định rằng cần phải đợi báo cáo của các thanh sát viên vũ khí hóa học LHQ trước khi có quyết định tiếp theo với Syria.
Báo New York Times bình luận rằng “Tổng thống Obama đã vội vã trở về Washington để đối mặt với một trong những phép thử lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống này, đó là đẩy mạnh chiến dịch thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ tấn công Syria – trong bối cảnh hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đều từ chối hậu thuẫn”. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào ngày 10-9 trong nỗ lực nhằm mang lại sự đột phá trước khi Quốc hội bỏ phiếu về việc tấn công Syria. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò do tờ Washington Post tiến hành, tính đến ngày 6-9, 224 trong tổng số 433 hạ nghị sĩ Mỹ hiện nay nói không hoặc “không ngả” sang phương án hành động quân sự trong khi 184 hạ nghĩ sĩ khác vẫn chưa quyết định và chỉ có 25 người ủng hộ tấn công. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò do hãng Gallup tiến hành, 51% số người Mỹ được hỏi phản đối cuộc tấn công Syria trong khi chỉ có 36% số người ủng hộ tấn công. Tại Pháp, đồng minh ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất, cũng có đến 2/3 người dân Pháp phản đối hành động quân sự chống Syria - theo thăm dò của nhật báo Le Figaro.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Jihad al-Laham ngày 6-9 đã kêu gọi Hạ viện Mỹ liên lạc thông qua một cuộc “đối thoại văn minh” thay vì một cuộc “đối thoại bằng máu và súng đạn”.
Ngày 7-9, Giáo hội Công giáo đã kêu gọi 1,2 tỷ người Công giáo và các tín đồ tôn giáo khác trên thế giới ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, chống lại bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào. Theo kế hoạch, Giáo hoàng Francis sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện đại chúng kéo dài 4 giờ tại Quảng trường Thánh Peter, bắt đầu từ 0 giờ ngày 8-9.
HẠNH CHI (tổng hợp)