Kết thúc tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012: Về đích an toàn

Hôm qua 16-7, thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn tất những môn thi cuối cùng của đợt thi tuyển sinh cao đẳng (CĐ) năm 2012. Như vậy, mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đã cán đích tương đối an toàn và suôn sẻ vì không có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Tài chính Hải quan sau giờ thi môn Hóa học tại điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10 TPHCM. Ảnh: Mai Hải
Kết thúc tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012: Về đích an toàn
  • Đề Địa lý khơi gợi ý thức về biển đảo

Hôm qua 16-7, thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn tất những môn thi cuối cùng của đợt thi tuyển sinh cao đẳng (CĐ) năm 2012. Như vậy, mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đã cán đích tương đối an toàn và suôn sẻ vì không có những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Tài chính Hải quan sau giờ thi môn Hóa học tại điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10 TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Tài chính Hải quan sau giờ thi môn Hóa học tại điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10 TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Ngày thi cuối dễ thở

Đúng như dự đoán, kết thúc buổi thi sáng 16-7 của đợt thi CĐ, nhiều TS thở phào nhẹ nhõm vì các môn thi cuối cùng của các khối A, A1, B, C, D1 đều vừa sức

Tại hội đồng thi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhiều TS dự thi khối B tỏ ra hồ hởi khi môn Hóa học không khó. TS Ngô Ngọc Liên, thi vào ngành điều dưỡng cho biết: “Đề Hóa học mới đọc sơ qua có vẻ hơi khó nhưng thực tế lại dễ thở hơn nhiều vì những câu hỏi cho phần lý thuyết nhiều hơn hẳn so với đề Hóa học khối B của ĐH mà em đã thi”. Vì vậy, Ngọc Liên tự tin cho biết, nhiều TS nếu làm được 50% đề Hóa học ĐH ít nhất cũng đạt được khoảng 70% mức điểm của bài thi đề Hóa học CĐ. Tại điểm thi trường CĐ Điện tử - điện lạnh Hà Nội, các TS khối A hoàn thành bài thi môn Hóa học theo hình thức trắc nghiệm trong thời gian 90 phút.

Tương tự, ở khối D1, nhiều TS dự thi vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM ở điểm thi Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) tỏ ra phấn khởi khi rời phòng thi vì đề thi Anh văn khá nhẹ. TS Trần Lệ Quyên (Lâm Đồng), thi vào ngành quản trị kinh doanh vui vẻ chia sẻ: “Môn Anh văn dễ hơn nhiều so với đề thi ĐH mà em đã thi. Các phần từ vựng, ngữ pháp hoàn thành tương đối nhanh. Toàn bài chỉ có câu 41, em hơi băn khoăn vì 4 lựa chọn quá giống nhau. Do đó em chọn đáp án A nhưng không tự tin lắm”.

Nhiều TS thi vào Trường CĐ Tài chính Hải quan cũng đánh giá để thi Anh văn khối D1 khá dễ so với đề ĐH và có thể đạt từ 6-7 điểm.

Thí sinh thi vào Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn trao đổi sau giờ thi môn Địa lý. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh thi vào Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn trao đổi sau giờ thi môn Địa lý. Ảnh: MAI HẢI

TS dự thi khối C vào Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tỏ ra thích thú với đề thi môn Địa lý. Theo nhiều TS phân tích, cũng giống như đề thi ĐH, chủ đề biển đảo tiếp tục xuất hiện khá nhiều trong đề thi Địa lý hệ CĐ. Ngoài việc dễ kiếm điểm ở phần này, các câu hỏi tiếp theo, nếu học bài và nắm kiến thức tốt, nhiều TS sẽ đạt điểm 7-8 vì nội dung đề yêu cầu nằm trong sách giáo khoa.

Kỳ thi ít sự cố

Như vậy kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 khép lại trong sự thở phào nhẹ nhõm của Bộ GD-ĐT và hàng triệu TS. Ở 2 đợt thi đầu, cả nước có 321 thí sinh và 4 cán bộ bị xử lý kỷ luật. So với năm 2011, số TS vi phạm và số cán bộ bị xử lý kỷ luật cũng giảm. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, công tác coi thi và kỷ luật phòng thi chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Cán bộ coi thi được tập huấn khá kỹ nên không xảy ra tình trạng giám thị vi phạm các lỗi nghiêm trọng như làm rách bài thi, giải thích đề thi, thiếu đề, yêu cầu thí sinh chép lại bài làm mà không tính thêm giờ… Hơn nữa đề thi ĐH cũng được đánh giá hay, sát với hơi thở cuộc sống và có tác động tích cực đến dư luận xã hội.

Cũng giống như đợt thi ĐH, đợt thi CĐ, về đề thi và công tác coi thi đến thời điểm này được đánh giá là “cán đích an toàn”. Như vậy, hai khâu trọng yếu nhất của kỳ thi là đề thi và công tác tổ chức coi thi được hoàn thành như mong đợi.

Tuy nhiên, điểm đáng bàn và rối nhất của kỳ thi tuyển sinh năm nay là ở phần thay đổi Điều 25 Quy chế tuyển sinh xuất phát từ sự cố tại Trường THPT Đồi Ngô, do Bộ GD-ĐT thay đổi quá cập rập nên các trường rối, thậm chí căng thẳng khi chạy theo ứng phó với việc cho phép TS được mang vào phòng thi máy ghi âm, ghi hình và máy ảnh. Trong nhiều lần đoàn thanh tra Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ tại phía Nam kiểm tra công tác coi thi, hầu hết các trường đều phàn nàn: “Bộ làm quá vội vàng nên các trường và TS cũng rối. Bởi lẽ TS vào phòng thi là để thi chứ không phải vào phòng thi với mục đích ghi âm, ghi hình hay chụp ảnh”.

Thanh Hùng - Phan Thảo

Hơn 262.000 thí sinh được tiếp sức

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM, ra quân từ ngày 3-6 đến 16-7, đã vận động được 42.000 chỗ trọ cho TS trong 3 đợt thi, trong đó hơn 9.000 chỗ trọ miễn phí. Với ý nghĩa là một hoạt động xã hội rộng lớn, chương trình đã nhận được sự đóng góp lớn từ các mạnh thường quân, các cá nhân, tổ chức với hơn 60.000 suất cơm, 2.000 thùng mì gói, 350 nón bảo hiểm, 60.000 vé xe, 410.000 bản đồ, 250.000 cẩm nang.

Nhận xét đề

  • Đề thi Hóa học: Nặng lý thuyết

So với đề thi Hóa học kỳ thi ĐH khối A, B trước đó, đề thi Hóa học hệ CĐ dễ hơn. Tuy vậy, số câu có tính chất mới và hay lại nhỉnh hơn hai đề ĐH ở các câu 12, 37, 40, 60 với tỷ lệ lý thuyết nhiều hơn (31 câu chiếm 62%). Đề Hóa học đợt thi CĐ năm nay có mức độ nhẹ hơn và hợp lý để phân hóa, chọn ra học sinh trung bình khá. Dự kiến phổ điểm phần lớn 7 - 8, tỷ lệ điểm 9 - 10 cũng hiếm. Hạn chế duy nhất của đề này là không có các câu đề cập đến môi trường, kinh tế - xã hội, một trong những tiêu chí gắn liền với cuộc sống của yêu cầu môn Hóa học.

Nguyễn Đình Độ
Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn – TPHCM

  • Đề thi Anh văn: Độ khó tương đối

Về phần từ vựng, ngữ pháp (từ câu hỏi 1 đến câu 25 – mã đề 869) vừa sức và phù hợp với thí sinh ở cả trình độ giỏi, khá, trung bình. Do đó, đa số thí sinh sẽ làm được các câu này. Ở phần đồng nghĩa phản nghĩa, không có câu khó, riêng câu 27 hơi phức tạp dù thí sinh có thể suy ra đáp án từ ngữ cảnh. Phần biến câu khá dễ vì dựa trên các điểm ngữ pháp đã học ở phổ thông. Về phần phát hiện lỗi câu (từ câu 67 đến câu 70), các lỗi đa số dễ nhận thấy.

Phần đọc hiểu, nội dung cả ba bài đều nói về các đề tài đang được mọi người quan tâm là thay đổi khí hậu, truyền thông và bệnh trầm cảm, đời sống sinh viên…. Các câu hỏi theo nhận xét riêng, đa số rõ ràng dễ hiểu. Riêng câu 41 có thể khiến TS băn khoăn vì 4 lựa chọn đều có nghĩa hao hao như nhau, có lẽ nên đưa ra các lựa chọn sắc nét hơn? Cuối cùng là phần ngữ âm có mức độ khó trung bình.

Lê Việt Ánh
Trường THPT Vĩnh Viễn - TPHCM

  • Đề thi Địa lý: Vừa sức

Nhìn chung đề thi Địa lý năm nay vừa sức, kiến thức trải rộng từ tự nhiên Việt Nam đến các ngành kinh tế, vùng kinh tế. Đề thi bám sát sách giáo khoa nên TS học bài tốt sẽ có điểm trung bình trở lên.

Nội dung đề thi nằm trọn vẹn trong nội dung chương trình sách giáo khoa Địa lý 12 ở cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Đề thi có sự kết hợp cân đối giữa kiểm tra kiến thức và kiểm tra kỹ năng. Độ khó của câu hỏi theo chương trình nâng cao tương đương với chương trình chuẩn. Khá giống với đề thi ĐH, đề thi CĐ năm nay đã đưa kiến thức về biển đảo ở phần kể tên huyện đảo của 4 tỉnh, TP Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Đà Nẵng.

Trong câu I (phần địa lý tự nhiên Việt Nam), đề thi đề cập đến biển Đông ảnh hưởng ra sao đến địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển. Tại sao nguồn hải sản nước ta bị giảm sút rõ rệt là câu hỏi sát với thực tế sinh động của đất nước. Câu II (đề thi yêu cầu TS nêu khả năng phát triển và hiện trạng phát triển cây công nghiệp của trung du miền núi Bắc bộ) là câu hỏi hoàn toàn nằm trong phần lý thuyết của sách giáo khoa. Câu III (vẽ biểu đồ), đề thi năm nay yêu cầu xử lý số liệu trước khi vẽ biểu đồ do vậy nếu không cẩn thận có nhiều khả năng có những sai lệch trong tính toán.

Nguyễn Đăng Lợi
Trường THPT Vĩnh Viễn TPHCM

Thông tin liên quan

Kết thúc kỳ thi cao đẳng năm 2012: 91 thí sinh bị kỷ luật 

Tin cùng chuyên mục