Hôm nay 30-11, kết thúc tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tại thời điểm này, hầu hết các trường ĐH tốp trên, tốp giữa đã ổn định việc học hành của năm học mới, nhưng không ít trường, ngành đào tạo mới bắt đầu đi vào năm học mới do phải kéo dài thời gian xét tuyển.
Chật vật tuyển sinh ở trường ngoài công lập, địa phương
Một nghịch lý đã diễn ra ở nhiều trường đại học ngoài công lập (NCL) trong mùa tuyển sinh năm nay là càng về sau lượng hồ sơ càng bị “hao” bớt đi, dù các trường đã nỗ lựïc đưa ra nhiều chính sách để thu hút thí sinh. Nguyên nhân do thí sinh ban đầu đã nộp hồ sơ vào trường nhưng rồi lại rút ra hoặc thí sinh nộp hồ sơ để đấy mà không đến nhập học. Nhiều trường đại học NCL và cả một số đại học công lập ở địa phương đã phải chấp nhận đóng cửa một số ngành đào tạo do số người học quá “hẻo”.
Trường ĐH quốc tế Bắc Hà với rất nhiều chính sách học bổng hấp dẫn nhưng đến thời điểm này chỉ có vài chục thí sinh đăng ký học. Đáng buồn là trước đó trường đã nhận được khoảng 150 hồ sơ nhưng nay các thí sinh rút hết. Tại Trường ĐH Thành Tây, có thời điểm, trường đã nhận được lượng hồ sơ đến con số ngàn nhưng tổng số thí sinh trường tuyển được năm nay thời điểm hiện tại vỏn vẹn 100 em trên tổng chỉ tiêu là 1.400. Còn theo ông Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô, có thời điểm, trường nhận được 1.000 hồ sơ nhưng khi gọi nhập học chỉ được chưa đến 500 em…
Không chỉ các trường NCL, một số trường công lập ở địa phương cũng đứng trước tình cảnh tuyển sinh khó khăn ở nhiều ngành nghề đào tạo, và đến thời điểm này, một số ngành đào tạo đã phải chấp nhận đóng cửa do không đủ số thí sinh đăng ký học. Theo thông báo của ĐH Huế, những ngành có nguy cơ đóng cửa của các đơn vị trực thuộc ĐH Huế như sau: Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, gồm ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường (2 SV/50 chỉ tiêu), Kỹ thuật điện (3 SV/50 chỉ tiêu), Kỹ thuật bản đồ (3 SV/50); ĐH Khoa học Huế: Hán Nôm (5 SV/30 chỉ tiêu), Địa lý tự nhiên (8 SV/40 chỉ tiêu)... Trường ĐH Nông Lâm Huế năm nay phải xét tuyển đến đợt thứ 4 nhưng nhiều ngành học vẫn rất ít thí sinh đăng ký khiến trường có khả năng đóng cửa ngành trồng trọt, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường…
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số trường như ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp... Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các trường báo cáo gấp quy mô đào tạo và kết quả tuyển sinh năm 2012.
Tuyển sinh 2013: Chưa có hướng ra?
Nhiều năm trở lại đây, để thu hút thí sinh, nhiều trường NCL ngoài việc xét tuyển thí sinh bằng những điều kiện tối thiểu (điểm chuẩn bằng sàn, kéo dài thời gian tối đa...) cũng đã vận dụng phương thức từng bị xã hội dị ứng như thưởng tiền mặt cho thí sinh. Thế nhưng, dù được mời gọi với các chính sách hấp dẫn đó, thí sinh vẫn quay lưng với các trường NCL.
Theo lý giải của nhiều trường NCL, lý do khiến họ khó tuyển sinh là vì nhiều trường ĐH công lập ngày càng có xu hướng được giao thêm chỉ tiêu, nên hút hết thí sinh của các trường tư, điều này đã đẩy các trường tư vào tình cảnh vớt được thí sinh nào hay thí sinh đó. Nhưng có một sự thật mà cả xã hội đã nhận ra, đó là nhận thức của người học về các dịch vụ giáo dục đã thay đổi. Nơi nào học ra mà khó xin việc sẽ bị người học từ chối. Nhiều học sinh chấp nhận đi đường vòng (học trung cấp, cao đẳng sau đó liên thông lên đại học), còn hơn là đăng ký học ở những trường địa phương, NCL, hoặc học những ngành nghề khó kiếm việc.
Tình hình tuyển sinh hiện nay cho thấy, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong việc chấn chỉnh, rà soát, giám sát việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Nhiều ý kiến bức xúc một số trường chất lượng kém nhưng vẫn được giao hàng ngàn chỉ tiêu/năm. Trong khi đó, một trường NCL liên tục trong nhiều năm tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí mỗi năm chỉ tuyển được mấy chục em chứng tỏ không được xã hội thừa nhận thì cũng cần tính đến việc giải thể, sáp nhập. Một ngành nghề đào tạo nhiều năm liền luôn đứng trước nguy cơ đóng cửa vì ít thí sinh đăng ký thì cũng cần xem lại công tác thẩm định cấp mã ngành đào tạo. Bộ GD-ĐT không thể cứ tiếp tục cấp chỉ tiêu, cấp phép ngành đào tạo một cách dễ dãi như hiện nay.
Theo các chuyên gia giáo dục, kỳ thi tuyển sinh “ba chung” áp dụng hiện nay về cơ bản đáp ứng được một phần mục tiêu lựa chọn sinh viên của các trường ĐH. Tuy nhiên, có quá nhiều bất cập từ việc sinh viên đầu vào 8 điểm cũng học chương trình như sinh viên đầu vào từ 20 - 30 điểm. Bởi thế, việc tìm ra một phương thức tuyển sinh phù hợp cho các trường ĐH-CĐ hiện nay vẫn đang là điều mà xã hội trông chờ ở Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đổi mới kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào thì bộ, các trường vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Trong khi mùa tuyển sinh 2013 đã bắt đầu phải chuẩn bị, nếu vẫn với cách tuyển sinh như hiện nay, thêm một mùa tuyển sinh chật vật là điều nhãn tiền.
Lâm Nguyên