Kết và Mở

Tham gia Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn một cách tình cờ. Bị cuốn vào nó một cách ngẫu nhiên. Và cuối cùng cảm thấy nặng nợ nghĩa ân mà các thế hệ các anh đi trước thường nói: Nghĩa tình trả mãi không thôi…

Một chút riêng tư, hơn 20 năm làm báo, quanh đi quẩn lại chỉ là mảnh đất thành phố, nhiều nhất có lẽ là cái sân tòa. Đến với Trường Sơn, đồng nghĩa với những chuyến rong ruổi có khi kéo dài hơn 10 ngày, xung quanh chỉ có rừng xanh, gió lộng, màu áo xanh của bộ đội biên phòng và bà con đa phần còn rất nghèo - những hình ảnh khác xa đô thị.

Những chuyến đi để lại nhiều cảm xúc. Như thể đã cầm, nắm, với tay ôm lấy được Trường Sơn. Dù thế, Trường Sơn vẫn rất bí ẩn. Những câu hỏi vẫn thường lởn vởn: Sao cha anh ta lại đi qua được cuộc chiến? Sức mạnh nào? Những con dốc trơn trợt, đi một đoạn đã cảm giác hụt hơi, thế mà các anh, các chú đã đi hàng ngàn cây số… Đã từng được lý giải, bởi những câu chuyện sống động qua những nhân chứng sống, nhưng vẫn thấy Trường Sơn chứa đựng quá nhiều sự vĩ đại không chỉ ở chiều cao, độ rộng, bề dày của bản thân nó mà còn của những con người đã từng chinh phục nó, nói rộng hơn - của cuộc chiến tranh giành độc lập hào hùng và bi tráng của dân tộc.

Ấm áp. Không thể có từ nào diễn tả đúng hơn tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Những băn khoăn trăn trở về đời sống của bà con dân tộc ít người, cả đời theo cách mạng, luôn rộng vòng tay chở che bộ đội thời chiến; về những đồng đội mà thân thể đã hóa thành cỏ cây sông núi; cả những mơ ước về những ngôi nhà, mái trường, trạm xá… đeo đuổi nhiều năm và những tưởng chỉ mãi là giấc mơ. Những băn khoăn đôi lúc thành ám ảnh.

“Xin đừng khép lại” là mục tiêu của chương trình khi bắt đầu và cả khi tổng kết. Không thể quên những ngày đi khảo sát mà vì đường xấu, khi đến nơi thì trăng đã lên đến đỉnh, nhưng các cô giáo vẫn kiên trì ngồi đợi. Quên sao được những giọt nước mắt mừng tủi trên gương mặt nhăn nheo của các cụ già khi mở chìa khóa nhà mới, nụ cười hân hoan khi bước chân vào trường mới của các em nhỏ, nỗi mừng đến mất ngủ của già làng khi trong bản có trạm xá…

Hơn 4 năm, khoảng 1.500 ngày chạy đua với thời gian, 1.351 gia đình đã nhận được nhà mới, gần 30 công trình dân sinh mọc lên trong đó có 17 trạm xá, 2 đền tưởng niệm liệt sĩ đã hoàn thành, hàng ngàn suất học bổng đã được trao… Chưa kể nhiều công trình đang chuẩn bị khởi công, khánh thành. Thế nhưng, hôm nay chuẩn bị cho lễ tổng kết chương trình vẫn không khỏi băn khoăn khi còn đó hàng trăm bộ hồ sơ nhờ hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhiều công trình đền tưởng niệm đã qua khảo sát địa điểm mà chưa có nhà tài trợ, nhiều dự án trường học, trạm xá…

Hy vọng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng chỉ là một ngọn nến trong hàng ngàn, hàng triệu ngọn nến khác được thắp lên để Trường Sơn mãi rực sáng. Hy vọng cái kết này không khép lại mà sẽ mở ra. Bởi sẽ rất bất công nếu vinh quang của Trường Sơn chỉ là quá khứ. Trường Sơn xứng đáng được nhiều hơn thế trong hiện tại và cả tương lai…

HƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục