9 lực lượng cùng có một chức năng là thanh tra, kiểm tra và xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp. Điều này đã và đang đẩy doanh nghiệp vào thực trạng hết sức khó khăn khi kiểm tra chồng kiểm tra, quyết định xử phạt chồng quyết định xử phạt.
Không dám than phiền dù bức xúc
Đó là tâm trạng của rất nhiều doanh nghiệp khi tiếp xúc với chúng tôi. Không ít doanh nghiệp cho biết, chỉ cần phản ánh bức xúc với báo chí thì ngay lập tức ngày mai có hàng loạt đoàn thanh, kiểm tra đến kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Điều đáng nói là dù cho doanh nghiệp có làm tốt công tác bảo vệ môi trường đến đâu thì cũng khó tránh mắc phải lỗi vi phạm. Đơn cử, trường hợp Công ty K. huyện Hóc Môn, công nhân nhà máy sơ ý để lẫn bóng đèn huỳnh quang vào rác thải công nghiệp nên đã bị phạt hàng trăm triệu đồng. Tương tự, một trường hợp khác tại Khu chế xuất Tân Thuận, công nhân vô ý để những giẻ lau dính mực in vào thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt cũng bị phạt vài chục triệu đồng… Không chỉ vậy, đại diện Công ty Bột mì B.D cho biết, bản thân công ty cũng không muốn vi phạm môi trường nhưng do chất thải nguy hại quá ít, khoảng 10kg/tháng nên công ty không tìm đâu ra đơn vị thu gom, xử lý. Vì thế công ty thường xuyên bị phạt vì hành vi không chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định.
Theo phản ánh của nhiều chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, việc xử lý vi phạm hiện phụ thuộc rất nhiều vào ý muốn chủ quan của đoàn thanh, kiểm tra. Có những đoàn khi đến kiểm tra phát hiện những hành vi vi phạm nhẹ thì chỉ nhắc nhở, hướng dẫn để công ty hoàn thiện hơn. Nhưng cũng không ít đoàn kiểm tra theo kiểu cứ sai là phạt, bất chấp lỗi vi phạm dù là nhỏ hay lớn, có tác động hoặc không tác động gì đến chất lượng môi trường. Thử hỏi, với hệ thống xử lý nước thải tập trung, để đảm bảo hơn 30 tiêu chuẩn trong nước thải sau xử lý của 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu luôn đạt loại A, công ty khó tránh khỏi mắc lỗi kỹ thuật. Thế nhưng, bất chấp sự cố kỹ thuật trên có hợp tình hợp lý hay không, đều phải bị phạt. Thậm chí, có những lỗi mà doanh nghiệp được gia hạn trong vòng 30 ngày sẽ khắc phục nhưng chưa được 30 ngày đã phải nhận tiếp quyết định xử phạt của đoàn thanh tra khác. Hiện trung bình mỗi tháng, các công ty phải tiếp trung bình từ 5 - 20 đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực khác nhau.
Xử lý cần căn cơ hơn
Trao đổi về thực trạng trên, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, phản ánh của doanh nghiệp cho rằng có quá nhiều lực lượng có chức năng thanh, kiểm tra môi trường là hoàn toàn chính xác. Chỉ tính riêng Sở Tài nguyên - Môi trường cũng có đến 5 phòng chức năng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Còn với những cơ quan chức năng liên quan khác thì phân theo cấp trung ương và cấp địa phương. Ở cấp trung ương có Cục Phòng chống tội phạm hình sự về môi trường thuộc Bộ Công an; Tổng cục Bảo vệ môi trường, Cục Bảo vệ môi trường Đông Nam bộ và Tây Nam bộ thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường. Còn cấp địa phương có Phòng phòng chống tội phạm hình sự về môi trường thuộc công an thành phố; thanh tra chuyên ngành môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường; công an môi trường và cán bộ phòng tài nguyên - môi trường trực thuộc quận huyện, phường xã. Ngoài ra, Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp cũng có lực lượng thanh tra về môi trường và hiện Bộ Công thương cũng đang có bộ phận chuyên trách kiểm tra kỹ thuật an toàn về môi trường.
Tất cả những lực lượng trên đều có chức năng thanh, kiểm tra môi trường độc lập và có chức năng xử lý vi phạm hành chính giống nhau. Điều này dễ tạo ra sự chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra môi trường. Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận 5 cho biết, tình trạng này xảy ra khá thường xuyên trên địa bàn quận, cao điểm nhất là vào năm 2012. Trước thực trạng đó, UBND quận đã đề nghị các lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành nói chung phải phối hợp để giảm số lần kiểm tra, giảm sự nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quận chỉ có thể yêu cầu các đoàn thanh, kiểm tra thuộc quyền quản lý của quận, còn với những đoàn thanh, kiểm tra không thuộc quyền quản lý của quận thì rất khó để yêu cầu họ cùng phối hợp kiểm tra.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh, để giải quyết dứt điểm thực trạng chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra môi trường, nhất thiết phải phân khúc xử lý rõ ràng hơn. Theo đó, lực lượng nào thì được kiểm tra xử lý vi phạm hành chính doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường. Còn trường hợp doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nghiêm trọng đến một mức độ quy định cần chuyển sang áp dụng hình thức mạnh hơn, có tính răn đe hơn thì sẽ bị chuyển sang cho lực lượng khác xử lý bước cao hơn, phức tạp hơn như khởi tố hình sự, buộc ngưng hoạt động. Có như vậy thì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chặt chẽ hơn và sự nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp mới được giảm bớt.
| |
MINH XUÂN