Khá lên từ bò sữa

Khá lên từ bò sữa

Hơn 30 năm kể từ khi những con bò sữa đầu tiên được đưa đến chăn nuôi tại Lâm Đồng, chưa lúc nào loài vật nuôi này lại được người ta nhắc đến nhiều như hiện nay. Giá sữa tăng cao đã giúp người nuôi bò tăng thu nhập đáng kể.

Nông dân nuôi bò sữa Lâm Đồng thu nhập khá lên nhờ giá sữa tăng.

Nông dân nuôi bò sữa Lâm Đồng thu nhập khá lên nhờ giá sữa tăng.

Về huyện Đơn Dương, nơi có đàn bò sữa lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, có lẽ chuyện nuôi bò sữa đang là một trong những vấn đề thời sự nhất. Trong câu chuyện của người dân vùng Đạ Ròn, Tu Tra, Thạnh Mỹ… không lúc nào thiếu phần bàn thảo về giá sữa, chất lượng sữa hay giá cả thức ăn gia súc.

Kỹ sư Trần Trung Chánh, chuyên viên phụ trách mảng bò sữa của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho biết: Người nuôi bò sữa dạo này phấn khởi lắm. Giá sữa lên cao và khá ổn định chứ không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá như hiện nay, bò sữa đang mang lại thu nhập ổn định hơn hẳn các loại cây trồng, vật nuôi của địa phương.

Chúng tôi đến xã Đạ Ròn, địa phương có đến 85% số hộ nuôi bò sữa. Không khí nơi đây hết sức náo nhiệt. Vừa bón cỏ cho đàn bò sữa 12 con, trong đó có 6 con đang cho sữa, bà Nghiêm Thị Hiền (thôn 1, xã Đạ Ròn) vui vẻ kể: “Gia đình tôi nuôi bò sữa đã hơn 20 năm, từ khi giá sữa chỉ 1.000 đồng/kg, nay đã lên tới 10.800 đồng/kg. Bình quân, mỗi con bò cho 600kg sữa/tháng, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/tháng từ đàn bò sữa…”.

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, số hộ có quy mô đàn bò sữa như gia đình bà Hiền không dưới 20 hộ. Nhưng phổ biến nhất mỗi hộ từ 3 – 4 con, cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ông Lê Đình Hồng (thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra) cho biết, nuôi bò tuy thu nhập không cao bằng làm rau nhưng lại ổn định. Mức đầu tư ban đầu bỏ ra để nuôi bò sữa cũng không lớn, ngoài khoản con giống thì nông dân chỉ cần nửa sào đất trồng cỏ, còn chuồng trại có thể tận dụng vật liệu để làm. Ngoài khoản thu từ sữa để trang trải chi phí và cuộc sống hàng ngày, mỗi năm người nuôi bò còn có thêm khoản thu cố định từ bê con hoặc phân chuồng.

Chính việc giá sữa tăng cao nên người dân trong huyện đang đổ xô nuôi bò. Nhiều trang trại bò lượng con giống không đủ để bán ra nên nông dân phải về tận TPHCM mua bò giống. Kỹ sư Trần Trung Chánh cho biết, những năm trước, đàn bò của Đơn Dương dao động trong khoảng 2.000 – 2.500 con nhưng năm nay đã đạt đến 3.000 con. Ngoài các đơn vị chăn nuôi tập trung như: Công ty cổ phần Sữa Lâm Đồng (Dalat Milk), Công ty Thanh Sơn thì số lượng bò sữa trong dân khoảng 1.800 con. Với sự phát triển “nóng” như vậy, mục tiêu phát triển đàn bò sữa của huyện đến năm 2015 là 5.000 con sẽ sớm đạt được và có thể vượt.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh như hiện nay cũng khiến ngành chăn nuôi bò sữa đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro nếu không có quy hoạch, định hướng kịp thời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giá sữa tăng và ổn định trong thời gian gần đây có nguyên nhân chính từ khâu thu mua. Trước đây, người dân phải bán sữa thông qua đại lý nên thường bị ép giá. Hiện đã có nhiều công ty đến thu mua nên nông dân có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, nếu thấy giá sữa tăng, nông dân đổ xô đi nuôi bò thì rất có thể rơi vào tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến sữa ế, rớt giá hoặc bị ép giá như đã từng xảy ra.

Bên cạnh đó, việc phát triển số lượng đàn bò cũng phải tính đến diện tích đồng cỏ. Nếu đàn bò phát triển quá nhanh mà không đảm bảo quỹ đất để trồng cỏ thì người nuôi bò sữa Lâm Đồng sẽ tự đánh mất lợi thế đó. Chính vì vậy, định hướng sắp tới của huyện Đơn Dương là mở rộng phạm vi chăn nuôi bò sữa ra các xã có quỹ đất nhiều, đồng thời hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ cỏ voi sang loại cỏ VA06 năng suất cao. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang quy hoạch vùng trồng cỏ cho chăn nuôi khoảng 9.000ha, mở ra triển vọng cho ngành chăn nuôi bò sữa của địa phương.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục