Khả năng FED tăng lãi suất: Chứng khoán thế giới phản ứng trái chiều

Trước thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trong tháng 6, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm 5 phiên liên tiếp, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lại đang xuống thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lo lắng trước các diễn biến bất lợi
Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lo lắng trước các diễn biến bất lợi
Biến động

Nếu kinh tế tiếp tục được cải thiện, FED có thể sớm tăng lãi suất. Đây là công bố mới nhất của FED sau cuộc họp chính sách của tổ chức này. Theo biên bản cuộc họp, phần lớn nhà hoạch định chính sách tham dự cuộc họp đánh giá nếu tình hình kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến như mong đợi, với lương và tỷ lệ việc làm tiếp tục tăng, dẫn tới chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh phục hồi, việc tăng lãi suất sẽ thích hợp. Tuy nhiên, sẽ phải chờ đến khi xác định được tăng trưởng kinh tế yếu hồi đầu năm chỉ là tạm thời và như vậy, khả năng tăng lãi suất có thể phải lùi lại cho đến sau tháng 6. 

Hầu hết nhà phân tích dự đoán, FED sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2017, với lần tăng kế tiếp có thể diễn ra trong cuộc họp chính sách tới vào ngày 13 và 14-6 và một lần trong tháng 9. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp trên của FED đã làm nảy sinh một số hoài nghi về thời điểm tăng lãi suất.

Phản ứng với thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ lên điểm phiên thứ năm liên tiếp, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều tăng 0,4%, chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, mức cao chưa từng có từ trước tới nay. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán châu Âu phần lớn đi ngang. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3%, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 của Paris cùng hạ 0,1%; riêng FTSE 100 giao dịch tại London tăng 0,4%, lên 7.514,90 điểm. 

Tại châu Á, chứng khoán và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cùng giảm giá sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s có động thái hạ bậc xếp hạng nợ quốc gia trong gần 30 năm trở lại đây. Chỉ số Shanghai Composite Index giảm 0,8%, hướng đến phiên giảm mạnh nhất trong 2 tuần trở lại đây. Đồng nhân dân tệ giảm 0,1% so với USD. Theo số liệu của Bloomberg Intelligence, tổng nợ quá hạn của Trung Quốc đã tăng từ mức 160% của năm 2008 lên khoảng 260% GDP tính đến cuối năm 2016.

Trung Quốc phản pháo

Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) đã bác bỏ việc Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của nước này, với lập luận rằng cách tính toán của Moody’s là dựa trên phương pháp đánh giá theo chu kỳ nên “hoàn toàn không chính xác”. 

Thông báo của MOF khẳng định, Moody’s đã đề cao về những khó khăn hiện nay của Trung Quốc, song lại đánh giá quá thấp về khả năng của nước này trong cải cách cơ cấu nguồn cung và gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước. MOF đồng thời bác bỏ dự báo của Moody’s về việc nợ chính phủ của Trung Quốc sẽ tăng dần lên mức tương đương 40% GDP vào năm 2018. Theo MOF, nợ chính phủ của Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, với tỷ lệ 36,7% GDP trong năm 2016, nằm dưới giới hạn cảnh báo 60% của Liên minh châu Âu và thấp hơn tỷ lệ nợ chính phủ của những nền kinh tế phát triển và mới nổi quan trọng khác. Hoạt động vay nợ của chính phủ sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh của cuộc cải cách cơ cấu nguồn cung. 

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cũng khẳng định, biện pháp đòn bẩy tài chính, với vai trò là nhiệm vụ chủ chốt trong cuộc cải cách cơ cấu nguồn cung, đã và đang đạt được những tiến triển khả quan. Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được các nguy cơ nợ. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỷ lệ đòn bẩy tổng thể của Trung Quốc nằm ở mức trung bình so với thế giới và hoàn toàn ổn định.

Tin cùng chuyên mục