Nói về việc ngầm hóa lưới điện và làm gọn dây thông tin, quan chức một ngành nọ đã từng tuyên bố: “Một trăm năm nữa thành phố mới hoàn tất việc ngầm hóa”. Ông không phải là người bi quan nhưng điều ông nói cho thấy khối lượng công việc và những chồng chéo hiện nay là rào cản để chỉnh trang lại bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, công tâm mà nói, những công trình mà các ngành chức năng đã hoàn thành cho thấy nỗ lực vượt bậc.
Đột phá, đi đầu
Năm 2008, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC, trước là Công ty Điện lực) đã đề xuất thành phố cho phép thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin khu vực quanh chợ Bến Thành và đường Lý Tự Trọng. Trước đó, vào năm 2003-2004, ngành điện lực đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến khu vực trung tâm như Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ với chiều dài 3,2km lưới trung thế và 9,5km lưới hạ thế. Khó khăn nhất trong thời điểm này là quy hoạch cũ đã khiến lòng, lề đường chồng chéo công trình ngầm như cấp nước, thoát nước vừa cũ vừa mới nên việc ngầm hóa cáp vô cùng khó.
Sau những công trình nói trên, bước sang năm 2009-2010, ngành điện lực có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ngầm hóa lưới điện kết hợp làm gọn dây thông tin. Tính đến tháng 5-2010, ngành điện đã hoàn tất ngầm hóa lưới điện khu vực chung quanh Hội trường thành phố (quận 3), khu vực chung quanh chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng-Hai Bà Trưng (quận 1). Riêng đường Trần Hưng Đạo (quận 1) và Trương Định (quận 3) dự kiến sẽ hoàn tất vào trung tuần tháng 10-2010. Riêng phần làm gọn dây thông tin là một nỗ lực đáng kể. Tính đến tháng 9-2010, 83 tuyến đường tương ứng 422km đường dây thuộc quận 1, 3, 5, 10, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú… đã được hoàn tất, đạt 76,43% kế hoạch.
Ngầm hóa lưới điện khu vực trung tâm thành phố và bó gọn dây thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực: bộ mặt thành phố khang trang hơn, “mạng nhện” dây thông tin không còn nữa, khắc phục tình trạng dây chùng, võng để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, giảm tải trọng cho trụ điện nhằm tránh tình trạng trụ điện bị gãy, đổ…
Rút ngắn thời gian
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngành điện lực đang xây dựng đề án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin giai đoạn từ 2011 đến 2020, có xét đến năm 2025. Theo đề án này, giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung ngầm hóa tại các đường, hẻm ở khu vực quận 1 và 3; giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn tất ngầm hóa tại các khu vực lân cận, các khu đô thị mới. Quy mô và khối lượng mà đề án này nêu ra là con số không nhỏ: 363 tuyến đường với 731.000m dây trung thế, 967.000m dây hạ thế và hơn 28.000m dây cao thế. Tổng kinh phí cho việc đầu tư ngầm hóa trung bình khoảng 800-1.000 tỷ đồng/năm.
Đây là con số khá lớn trong khi ngành điện còn phải tập trung vào việc cải tạo và phát triển lưới điện. Kiến nghị của ngành điện về việc huy động mọi nguồn lực bằng cách xã hội hóa đầu tư công trình ngầm mới đây đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận trên cơ sở các ngành hữu quan phải xem xét lại cách phối hợp trong triển khai ngầm hóa cáp và doanh nghiệp đầu tư ngầm hóa sẽ được những ưu đãi cụ thể về nguồn vốn. Điều này sẽ tạo lực đẩy tích cực để rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu ngầm hóa lưới điện, lưới viễn thông.
Để hiện thực hóa đề án, ngành điện lực cũng kiến nghị thành phố cần sớm quy hoạch vị trí các công trình ngầm trên các tuyến đường trong tương lai để các ngành chủ động trong việc bố trí thực hiện. Đối với các khu dân cư, khu đô thị mới xây dựng hoặc khu dân cư được quy hoạch lại ở các quận trung tâm thì bắt buộc phải ngầm hóa lưới điện và lưới viễn thông; với các khu nhà cao tầng khi xây dựng mới phải ưu tiên bố trí diện tích xây dựng trạm điện tòa nhà và trạm điện công cộng. Còn với các khu dân cư xa trung tâm thành phố, khi đầu tư xây dựng phải dự kiến quỹ đất và lòng, lề đường để bố trí các công trình kỹ thuật ngầm. Ngoài ra, cần có quy chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị kinh doanh điện lực và viễn thông… Nếu được như vậy, bộ mặt thành phố sẽ sớm khang trang hơn và không còn nỗi lo “100 năm nữa…”.
CÁT TƯỜNG