Viêm cơ tim là bệnh hiếm gặp nhưng lại có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ nhỏ cho tới người lớn. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao nếu chuyển thành viêm cơ tim cấp mà không được điều trị kịp thời và các kỹ thuật hỗ trợ hiện đại...
Rất nguy hiểm
TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, căn bệnh viêm cơ tim là biến chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng, phần lớn do virus Coxsackie type B gây ra và còn do một số loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng khác. Đáng lưu ý, người mắc căn bệnh này có triệu chứng rất đa dạng. Ở người lớn, viêm cơ tim nhiều khi gây nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim. Biểu hiện bởi đau ở giữa ngực, có thể lan lên cổ, vai, phần trên cánh tay. Trong trường hợp nặng, triệu chứng có thể bao gồm khó thở, nhịp nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
Triệu chứng của bệnh này ở trẻ em thường là tím da, tiếng thổi ở tim và bỏ ăn. Đáng ngại hơn, trong giai đoạn sớm, việc chẩn đoán viêm cơ tim dễ nhầm với sốc nhiễm khuẩn. Đặc biệt đối với trẻ em, triệu chứng của căn bệnh này lúc đầu rất mơ hồ khiến dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm cúm, sốt virus hoặc bị bỏ qua. Hậu quả là những trường hợp này khi nhập viện bệnh đã rất nặng, nhiều ca tử vong. Do đó, để chẩn đoán chính xác, phải dựa vào biểu hiện lâm sàng như suy tuần hoàn trầm trọng, các triệu chứng khởi phát nhanh và sốt.
“Vũ khí” chống lại bệnh nan y
Trước căn bệnh rất nguy hiểm này, Viện Tim mạch quốc gia mới đây đã ứng dụng thành công hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) cứu sống được nhiều bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp, suy đa phủ tạng. Đặc biệt trong số những bệnh nhân được cứu sống có một bệnh nhân nữ 27 tuổi ở Hà Nội bị viêm cơ tim cấp với biến chứng ngừng tim trong khoảng 20 phút, tiên lượng tử vong cao. Đây là trường hợp viêm cơ tim nặng, có biến chứng ngừng tim nặng đầu tiên ở Việt Nam được cứu sống. Trước đó, bệnh nhân này đã được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực không có kết quả nên cần phải có hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) làm việc thay tim, cho phép tim tiếp tục được nghỉ ngơi trong thời gian từ một đến hai tuần. Sau gần 10 ngày được hỗ trợ bằng hệ thống ECMO bệnh nhân đã hồi phục và qua giai đoạn nguy hiểm.
Theo TS Dương Đức Hùng, ECMO thực chất là hệ thống hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy ngoài cơ thể, kỹ thuật này có ưu điểm dễ dàng triển khai nhanh trong vòng khoảng 30 phút mà không phải mổ mở xương ức và đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp bị ngừng tuần hoàn. Đặc biệt kỹ thuật tiên tiến này có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như: hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do virus cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả hoặc các ca viêm phổi do vi khuẩn hay do các tình trạng sốc có nguyên nhân do tim như: viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng và suy tim nặng chờ ghép tim.
TS Hùng cũng khuyến cáo, viêm cơ tim là căn bệnh có rất ít giải pháp nhằm làm giảm tần suất mắc nên biện pháp dự phòng là điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng. Khi bị viêm cơ tim, người bệnh phải nghỉ ngơi tại giường cho đến khi bệnh giảm. Lúc đó, cần tránh uống rượu, không ăn nhiều muối và các chất làm tăng gánh nặng hoặc kích thích hoạt động của tim.
MINH KHANG