Khắc phục khiếm khuyết giáo dục phổ thông

Tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật để đảm bảo chất lượng và chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Báo cáo này trước khi được chính thức trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được lấy ý kiến các chuyên gia giáo dục, Bộ GD-ĐT, thể hiện khá rõ ràng những khiếm khuyết hiện nay của GDPT.
 
Một trong những khiếm khuyết lớn nhất của GDPT đã được báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, đó là công tác biên soạn CT-SGK phổ thông vẫn còn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học sinh. Một số môn học còn có nội dung thiếu tính khả thi, nhất là đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 Điều này hoàn toàn trùng khớp với những trăn trở mà bấy lâu nay các nhà giáo dục cũng như xã hội đã lên tiếng. Trong đó, nổi lên là việc CT-SGK phổ thông hiện nay vẫn trong tình trạng “cái cần thì thiếu, cái không cần lại thừa”. PGS Văn Như Cương từng thẳng thắn, CT-SGK của GDPT hiện nay có nhiều lệch lạc, cần phải thay đổi mạnh mẽ. Có đến 40% kiến thức môn toán ở bậc phổ thông là vô bổ. GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, chương trình phổ thông ở Việt Nam chẳng giống ai, vừa nặng lại vừa thấp, cái cần không học mà học cái không cần.

Không phải chỉ các chuyên gia đầu ngành của giáo dục Việt Nam mà hầu hết các ý kiến đều cho rằng chương trình GDPT còn nhiều bất hợp lý. Cũng vì “cái cần không học mà học cái không cần”, cộng với cách đánh giá, thi cử nặng nề như hiện nay nên đã diễn ra tình trạng học hành nhồi nhét, học thêm tràn lan, vô cùng tốn kém, hiệu quả lại thấp. Điều tệ hơn cả mà xã hội và các nhà giáo dục lo lắng, đó là GDPT chưa chú trọng dạy được đạo đức cho học sinh. Hệ quả là một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đang ngày càng có những biểu hiện băng hoại về mặt đạo đức, lối sống.

Không dừng lại ở CT-SGK, một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất về GDPT hiện nay là cấu trúc GDPT 12 năm, hay ít hơn. Trong hội thảo bàn tròn về đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo mới đây do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất thay đổi cấu trúc GDPT hiện nay.

GS Hồ Ngọc Đại và không ít người đề xuất rút ngắn thời gian GDPT, thay vì 12 năm như hiện nay chỉ nên 11 năm, thậm chí ít hơn. PGS Văn Như Cương đề xuất phải thay đổi lại cấu trúc 3 năm cuối, vì chương trình hiện nay không cần thiết với những học sinh học nghề. Ông cho rằng, tiểu học, THCS chỉ có một chương trình. Nhưng lên THPT nên chia thành 2 nhánh: THPT và THPT có dạy nghề. Các trường THPT chiếm khoảng 40% học sinh để học lên đại học, còn THPT có dạy nghề chiếm khoảng 60% học sinh, để các em có thể ra trường đi làm ngay nghề đã học, hoặc học lên cao đẳng, trung cấp nghề. Xác định lại cấu trúc GDPT cũng là vấn đề đã được xới lên nhiều lần trong thời gian qua. Đây là vấn đề rất quan trọng mà theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cần nghiên cứu kỹ, thận trọng.

Đâu chỉ vậy, hàng loạt các vấn đề hệ trọng khác của GDPT cũng cần được “dỡ ra, làm lại” nhằm đạt tới mục đích cao nhất của đổi mới toàn diện nền giáo dục lần này. Trong đó, có các vấn đề về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, một hay nhiều bộ SGK… Đặc biệt, xã hội đang đòi hỏi rất cao việc ngành giáo dục phải tìm bằng được những giải pháp căn cơ nhất để thu hút nhân tài, bảo đảm được đời sống cho đội ngũ nhà giáo - vốn được coi là yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục.

Đến thời điểm này, những tranh luận về cấu trúc nào là hợp lý cho GDPT vẫn chưa có hồi kết. Nhiều vấn đề “nóng” về CT-SGK, đội ngũ nhà giáo, đồng bộ hệ thống trường lớp, giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT… vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng đáng tiếc là không có nhiều người tiếp cận được dự thảo đề án đổi mới CT-SGK GDPT sau năm 2015.

Thiết nghĩ ban soạn thảo đề án cần sớm công bố bản dự thảo đề án để nhân dân được có ý kiến rộng rãi. Với những vấn đề mà các chuyên gia đang tranh luận, Bộ GD-ĐT cũng cần có những lý giải thuyết phục để tạo sự đồng thuận cao khi đề án được ban hành và đi vào thực hiện.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục