Khắc phục lạm dụng công chứng, chứng thực

Sáng 5-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hoạt động công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2007 đến nay. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên họp.
Khắc phục lạm dụng công chứng, chứng thực

(SGGPO).- Sáng 5-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hoạt động công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2007 đến nay. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và thực chất, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc tách bạch và phân biệt rõ hoạt động công chứng và chứng thực đã tạo điều kiện cho công chứng trở thành một nghề, một ngành chuyên môn sâu có chức năng đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch. Nhân dân được hưởng dịch vụ này một cách thuận lợi, nhanh chóng; tình trạng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng đã được giải quyết gần như triệt để...

Công chứng Việt Nam (mà đại diện là Hội Công chứng TPHCM, do chưa có Hiệp hội Công chứng toàn quốc) đã nộp hồ sơ gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế và dự kiến sẽ được kết nạp làm thành viên chính thức vào tháng 10 tới.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng còn một số tồn tại. Một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng cũng như uy tín nghề công chứng trong xã hội... Hoạt động chứng thực cũng có nhiếu bất cập; có hiện tượng quá tải trong việc chứng thực bản sao tại một số nơi, một số thời điểm do tâm lý “sính” bản sao trong khi pháp luật không yêu cầu. Đặc biêt, việc chứng thực hợp đồng, giao dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong việc chứng thực bản dịch thì hiện tượng dịch sai, dịch không đầy đủ, gây thiệt hại cho khách hàng cũng đã phát sinh nhưng chưa có cơ chế xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.  

Khắc phục lạm dụng công chứng, chứng thực ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và xem xét, đưa việc xây dựng Luật Chứng thực vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về công chứng, chứng thực.

Ông cũng cho biết, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp như tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng; xây dựng trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động này; nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên... Bộ cũng sẽ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền quy định chặt chẽ nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng bản sao, giảm thiểu giấy tờ thủ tục đối với công dân...

Tại phiên giải trình, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cung cấp thêm thông tin, qua quá trình thực hiện Luật Công chứng, địa phương nhận thấy Luật này còn nhiều điểm vênh với hệ thống luật pháp có liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai... Đội ngũ công chứng viên tính chuyên nghiệp chưa cao, có tình trạng vi phạm pháp luật, các văn phòng công chứng cạnh tranh không lành mạnh. Ông Khanh đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm bổ sung quy định quản lý chất lượng công chứng viên, không miễn đào tạo công chứng viên đối với một số đối tượng (hiện đang được miễn); làm rõ cơ chế liên thông giữa công chứng với đăng ký giao dịch bảo đảm; nâng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực công chứng...

Nhiều đại biểu tham dự phiên họp đã nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét, tỷ lệ bình quân công chứng viên hoạt động trong một phòng/văn phòng công chứng còn khá thấp, dẫn đến khó khăn cho người dân, thậm chí khiến người dân phải chịu một số thiệt hại phát sinh khi công chứng viên qua đời hoặc ốm đau dài ngày... Vẫn theo ông Minh, quy định mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc cho công chứng viên nhiều khi vẫn bị bỏ qua. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thì lưu ý về việc có tới 90% số vụ việc công chứng có liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản và đề nghị làm rõ tình trạng sai phạm về công chứng dẫn đến khiếu kiện, lừa đảo...

Trả lời đại biểu Minh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, một tỷ lệ lớn các văn phòng công chứng chỉ có 1 công chứng viên, song “tới đây Bộ sẽ dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép chuyển đổi văn phòng công chứng dưới hình thức công ty hợp danh có từ 2 thành viên trở lên, khuyến khích văn phòng công chứng có nhiều hơn 1 công chứng viên”.

Về bảo hiểm trách nhiệm cho công chứng viên, Luật hiện hành đã yêu cầu văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm cho công chứng viên và công chứng viên phải chịu trách nhiệm vô hạn với việc mình làm sai. Nhưng đúng là mới có 74% văn phòng công chứng mua bảo hiểm bắt buộc như vậy, vì chưa tìm được bên bán bảo hiểm. Bộ trưởng Hà Hùng Cường trần tình: Điều này phụ thuộc vào đánh giá về chất lượng công chứng viên của bên bán bảo hiểm, họ chưa thấy tin cậy thì chưa nhận bảo hiểm.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục