Tại TPHCM, có những dự án đã được phê duyệt nhiều năm nhưng treo kéo dài, xây dựng dở dang rồi “trùm mền”, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất mỹ quan đô thị. Gần đây, quận 1 đã có nhiều cố gắng, khắc phục tình trạng dự án treo trên địa bàn.
Đánh thức nhiều công trình
Là quận trung tâm TPHCM, trên địa bàn quận 1 có nhiều dự án nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại có quy mô lớn, giá trị đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có một số dự án triển khai quá chậm hoặc xây dựng dở dang kéo dài cả chục năm. Nhằm xóa các dự án đình trệ lâu năm, chính quyền quận 1 đã chủ động đốc thúc, hỗ trợ nhà đầu tư, nên trong một thời gian ngắn đã làm “thức giấc” nhiều công trình. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết: Trong năm qua đã có gần 10 dự án đình trệ lâu năm được đánh thức, trong số đó có những dự án đã treo hơn 10 năm như dự án tòa tháp SJC, dự án 1 bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu và dự án nhà ở chung cư Cô Giang.
Dự án tòa tháp SJC đã được khởi động trở lại
Dự án tòa tháp SJC có quy mô 60 tầng, gồm 6 tầng hầm và 54 tầng cao. Tháp SJC nằm ở ví trị đắc địa ngay giữa trung tâm TP, được bao quanh bởi 4 con đường lớn Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành). Sau lễ khởi công rình rang, công trình án binh bất động suốt 10 năm. Khu đất vàng biến thành bãi giữ xe. Mãi đến cuối năm 2016, dự án này mới được khởi công lại. Theo Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương (chủ đầu tư dự án), lần này dự án được thi công với tổng kinh phí đầu tư 5.300 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Kỷ lục về dự án treo lâu năm được khởi động lại trong đợt này là dự án khu nhà ở, khách sạn và thương mại 1 bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao). Dự án này được triển khai cách nay gần 20 năm, trên khuôn viên rộng 1,7ha nhưng rồi bị “đóng băng”. Để có mặt bằng thực hiện dự án, 213 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu phải di dời nhà cửa. Ngày 18-10-2016, Sở Xây dựng TPHCM đã cấp giấy phép xây dựng. Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy (chủ đầu tư dự án) đang chuẩn bị để tiến hành động thổ thực hiện dự án.
Chủ động tháo nút thắt
Để khắc phục tình trạng dự án treo, đánh thức các công trình, quận 1 đã chủ động cùng các chủ đầu tư “định bệnh” từng dự án, tìm giải pháp thích hợp, khả thi. Chính sự sâu sát của chính quyền, những nút thắt đã trói chặt dự án trong nhiều năm đã được tháo gỡ. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, cho biết: “Dự án khu căn hộ - trung tâm thương mại Cô Giang được TPHCM phê duyệt từ năm 2006 để thay thế chung cư cũ xuống cấp. Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt được giao làm chủ đầu tư, nhưng không thể triển khai vì người dân tại đây không bàn giao mặt bằng. Việc chậm trễ đã gây thiệt hại cho chủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Để tháo nút thắt này, quận đã xem xét điều chỉnh giá đền bù và có phương án tái định cư hợp lý, đồng thời lãnh đạo quận đã chủ động gặp gỡ từng gia đình để giải thích, vận động người dân chấp hành. Chính sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, cũng như việc cân bằng lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư nên nút thắt đã được tháo. Sau hơn 10 năm, cuối năm 2016, chủ đầu tư đã nhận mặt bằng, tiến hành thực hiện dự án.
Dự án 1 bis - 1 kép cũng bị đình trệ gần 20 năm qua vì người dân khiếu nại do chưa đồng ý giá đền bù. Trước bài toán khó này, chính quyền quận 1 đã chủ động tổ chức đối thoại, gặp gỡ người dân để giải quyết. Những nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền của quận đều được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, quận phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết như bàn giao mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng. Với cách làm chu đáo, quan tâm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dự án treo kéo dài đã có lối ra.
Bà Lưu Thị Thu, một hộ dân có nhà bị giải tỏa thực hiện dự án 1 bis - 1 kép, giãi bày: “Dự án đóng băng nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà người dân đi khiếu kiện cũng lao đao, vất vả. Thực sự người dân chỉ mong muốn chính quyền giải quyết công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích để những gia đình bị giải tỏa không bị thiệt thòi”.
TRẦN YÊN