Khai chữ nơi biên ải

Trầm, Cóc là hai thôn giáp biên giới nghèo nhất ở xã Pa Nang, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Nơi núi rừng biên ải xa xôi, luôn có những giáo viên cắm bản đầy nhiệt huyết, một lòng đem con chữ để giáo hóa mọi lời nguyền hoang dại nơi đại ngàn. Họ đã chọn một con đường đầy gian truân.
Khai chữ nơi biên ải

Trầm, Cóc là hai thôn giáp biên giới nghèo nhất ở xã Pa Nang, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Nơi núi rừng biên ải xa xôi, luôn có những giáo viên cắm bản đầy nhiệt huyết, một lòng đem con chữ để giáo hóa mọi lời nguyền hoang dại nơi đại ngàn. Họ đã chọn một con đường đầy gian truân.

Ông giáo “cội”

Trầm, Cóc cái tên xương xóc nơi núi rừng này chợt hiện ra sau chặng đường rừng lởm chởm đá cùng hàng chục con suối lớn, nhỏ. Trên lưng núi Cu Te (ranh giới tự nhiên Việt - Lào), những tấm lúa rẫy đã chín rộ vàng ngậy, lấn át màu xanh đại ngàn. Cha, mẹ dân tộc Vân Kiều đang lên nương cõng lúa rẫy xuống núi. Còn nơi góc bản vang lên tiếng trẻ học chữ “ê…a…” thanh thoát giữa rừng chiều.

Những năm 2004 - 2005, Trầm, Cóc chỉ có duy nhất thầy giáo kiêm điểm trưởng, đó là thầy Nguyễn Công Sanh (40 tuổi).  Quê thầy Sanh ở Triệu Đại (Triệu Phong - Quảng Trị), sau nhiều năm tình nguyện cắm các bản xa như A Ngo, Làng Cát… đến năm 2004, thầy quay về với núi rừng Trầm, Cóc cho đến tận bây giờ.

Ông giáo “cội” Nguyễn Công Sanh - người bám bản lâu năm nhất

Thầy Sanh nhớ lại: “Trước kia, muốn vào thấu Trầm, Cóc dạy chữ phải đi bộ mất 5 - 7 giờ, qua nhiều khu rừng rậm và suối lớn. Muốn đi nhanh phải mang theo dao hoặc rựa để phát cây dại. Phòng học được dân làng chung tay dựng lên bằng phên, nứa, lá rừng nằm tít trên ngọn đồi xa. Đêm rừng tối mịt, tiếng thú dữ gầm ré, rờn rợn khó tả lắm! Nhiều đêm buồn quá, phải tìm xuống nhà dân hoặc đồn biên phòng để nói chuyện cho khuây, bớt buồn”.

Cứ qua mùa mưa, phòng dạy tạm của thầy lại bị nước lũ cuốn trôi. Dân làng cùng ông giáo phải về miền xuôi đem bàn, ghế, bảng… lên dạy học. Trai tráng trong bản vào rừng tìm tre, nứa, lá rừng về dựng lại lớp học. “Ngày đó cơ cực nhưng tình nghĩa lắm. Trẻ ở đây rất ngoan, hiền nên việc dạy chữ cũng thuận lợi. Mùa lạnh trên này nhiệt độ xuống thấp, nên rét lắm. Thương nhất là các trò đến lớp với bộ đồ mỏng manh. Cứ gần ngày khai giảng năm học, tôi lại xuống núi để liên hệ bạn bè, nhà hảo tâm, vận động xin áo quần, sách, bút cho học trò. Năm học này, tôi xin được gần 600 cuốn vở cùng nhiều quần áo. Các em nhận được quà thì mừng lắm”.

Ông Nguyễn Công Quyết, Phó hiệu trưởng Điểm trường chính xã Pa Nang, cho biết: “Dù dạy chữ nơi núi rừng xa xôi, hiểm trở nhưng thầy Nguyễn Công Sanh liên tục nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc ở các cấp. Năm 2014, được Bộ GD-ĐT tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp. Thầy là người bám bản lâu năm nhất và là anh cả luôn đi đầu trong mọi hoạt động giảng dạy”.

Mùa đạp vắt “bắt” trẻ rừng hoang

Bản Cóc, chiếm trên 98% hộ nghèo. Người dân chủ yếu làm lúa rẫy và trồng sắn. Do khí hậu vùng biên giới khắc nghiệt nên bệnh tật nhiều. Đã thế, các hộ gia đình lại đông con. Có đôi vợ chồng mới về ở với nhau được hơn 10 năm mà đã sinh đến 10 đứa con. Nhiều người khi được hỏi tên, tuổi đầy đủ của các con mình thì không thể trả lời hết được. Đơn cử như chị Tà Việc (khoảng 50 tuổi) ở thôn Cóc này, ngay cả tên, tuổi mình chị cũng không nhớ nổi, nói chi đến con cái. Chị Tà Việc trải lòng: “Nhà nghèo lắm, lên rẫy suốt cả ngày, với lại con đông nhớ sao cho hết được. Con nó đi học tên gì, lớp mấy cũng chẳng nhớ được đâu. Mình chỉ biết sáng ra cứ vắt nắm xôi cho con đến lớp”.

Cứ đến mùa mưa lũ hay thu hoạch lúa rẫy, lớp học trở nên trống vắng vì các trò đã theo bố, mẹ lên nương. Những ngày này, thầy cô cắm bản bằng mọi cách đi “bắt” cho được trẻ về lại lớp học của mình. Họ tiếp tục vừa dạy, vừa chia nhau luồn khắp các bản làng miền núi để vận động cha, mẹ Vân Kiều cho con quay lại lớp. “Nhiều em khi thấy thầy giáo đến nhà thì trốn vào rừng sâu, phải luồn rừng để tìm về. Có những em thu mình ở các mép suối. Khi thấy được, vừa bực vừa xót xa, nhưng nghĩ lại thì thương lắm. Đưa được các em về lại lớp, tôi phải mua bánh kẹo để níu chân chúng, kèm cặp bồi dưỡng cho theo kịp chương trình học”, thầy Nguyễn Công Sanh nói.

Thầy Sanh nói: “Hôm nay chưa thuyết phục được thì ngày mai, ngày mai nếu vẫn chưa được thì ngày mốt, ngày kia… Mình làm sao phải thuyết phục cho họ hiểu được, chữ nghĩa đối với con người quan trọng lắm”.

Lớp học ca hát bên đỉnh rừng biên ải cuộn sương

“Đường” chữ còn lắm gian nan

Hiện tại, hai điểm trường tiểu học ở thôn Cóc và thôn Trầm vẫn đang mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng của 2 bản. Các thầy cô tận dụng che phên, nứa để đặt bảng dạy chữ. Cơ sở vật chất tuềnh toàng, lâu năm nên số nhiều đã hư hỏng. Những ngày mưa gió, bốn bề đều bị tạt nước. Việc dạy và học nhiều khi bị gián đoạn, ngưng trệ. Cô Liên chia sẻ: “Khó khăn về tinh thần thì không kể hết được, đặc biệt với những cô giáo trẻ tuổi. Còn về đời sống và cơ sở vật chất cũng thiếu thốn nhiều thứ lắm. Trong khi đó, nhà lưu trú chỉ có 4 phòng chia cho 14 giáo viên cùng ở nên rất chật. Chưa có nước sạch, các thầy cô phải xuống dưới suối gánh lên. Với lại tuyến đường ngắn nhất đi qua khu rừng vào điểm trường chính đã bị hư hại, đá lởm chởm, lầy lội nên việc đi lại của cô thầy gian nan hơn”.

Thầy Nguyễn Công Sanh trình bày nguyện vọng: “Hiện mong muốn lớn nhất của giáo viên trên này là có tuyến đường vào bản thuận tiện hơn. Kế nữa, được đầu tư nâng cấp phòng học cùng xây thêm nhà lưu trú cho giáo viên. Đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Nếu có thêm những thứ đó, hẳn công tác dạy học sẽ thuận lợi hơn”.

Ông Phan Sĩ Huấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đăkrông, cho biết: Với những khó khăn hiện tại, chúng tôi đang kêu gọi nguồn kinh phí để từng bước khắc phục. Sắp tới đây, cấp trên sẽ triển khai xây dựng 3 phòng học tại thôn Trầm và 2 phòng học tại thôn Cóc. Cùng với đó, chúng tôi kiến nghị để từng bước hoàn thiện mọi cơ sở vật chất, bàn ghế, nhà ở cho các giáo viên cắm bản. Đáng mừng nhất là hiện các thầy, cô đều cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu và nhiều người đã đạt nhiều thành tích trong gian khổ.

Ngọc Oai

Tin cùng chuyên mục