Khai hội chùa Hương

Sáng 5-2, tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, kéo dài và có quy mô lớn nhất miền Bắc, được khai hội trong không khí rộn ràng sắc xuân. Ngay từ sáng sớm, hàng vạn bà con phật tử đã nườm nượp xuôi dòng suối Yến hướng về miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.
Khai hội chùa Hương

(SGGP).- Sáng 5-2, tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, kéo dài và có quy mô lớn nhất miền Bắc, được khai hội trong không khí rộn ràng sắc xuân. Ngay từ sáng sớm, hàng vạn bà con phật tử đã nườm nượp xuôi dòng suối Yến hướng về miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.

Đông đảo du khách tới chùa Hương ngày khai hội.

Đông đảo du khách tới chùa Hương ngày khai hội.


Theo thống kê sơ bộ, số lượng thuyền đò tham gia vận chuyển khách đã được kiểm tra, đăng ký với số lượng lên tới gần 5.000 chiếc. Thế nhưng, trái với cam kết của ban tổ chức là sẽ trang bị áo phao và các thiết bị nổi cho 100% thuyền đò. Tuy nhiên, các đò chở khách đều không có áo phao. Chị Hảo, chủ của 4 chiếc đò, cho biết: “Lúc đi họp, ban tổ chức bảo tất cả các đò phải có áo phao cho khách, nhưng họ không phát thì tiền đâu mà mình mua”.

Năm nay, giá vé ở lễ hội chùa Hương là 85.000 đồng/người (trong đó có 35.000 đồng tiền đò khứ hồi), giá cáp
treo từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích là 140.000 đồng/người (khứ hồi).

TUẤN HOÀNG

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết, do thời tiết thuận lợi, nên từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, đã có hơn 180.000 lượt du khách đến với thắng cảnh chùa Hương, riêng ngày khai hội con số thống kê lên đến 60.000 lượt người. Dù lượng khách đông nhưng không có tình trạng ách tắc kéo dài mà chỉ ùn ứ cục bộ tại một số điểm nóng. Sở dĩ tình trạng này được cải thiện là do năm 2014, lễ hội chùa Hương được chuẩn bị sớm và chu đáo để phục vụ khách hành hương.
Năm nay, du khách hành hương có thể tránh tình trạng ùn ứ tại quốc lộ 21B đi chùa Hương, bằng một tuyến đường mới mở theo hướng từ Hà Nam lên, bắt đầu từ Phủ Lý, tuyến đường này có độ dài 7km. Việc đưa tuyến đường mới này vào khai thác đã nâng tổng số đường vào khu vực chùa Hương lên 4 tuyến nhằm giảm nguy cơ ùn tắc.
Trên suối Yến cũng có khoảng 5.000 chiếc đò sẵn sàng phục vụ vận chuyển. Đường điện chiếu sáng được lắp đặt mới từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích để mọi người có thể di chuyển dễ dàng vào ban đêm, đảm bảo an ninh trật tự. Một điều dễ nhận thấy tại chùa Hương trong ngày khai hội là hiện tượng “cò” vé, cò đò đã giảm hẳn, việc quảng cáo bán hàng bằng loa tại khu vực Thiên Trù cũng bị xử lý triệt để, thịt thú rừng được treo trong lồng kính cũng đã bớt phản cảm phần nào.

Du khách tham dự khai mạc lễ hội chùa Hương. Ảnh: TUẤN HOÀNG

Du khách tham dự khai mạc lễ hội chùa Hương. Ảnh: TUẤN HOÀNG

Một trong những nét mới lễ hội chùa Hương năm nay phải kể đến là nhờ tuyên truyền, vận động tích cực từ trước trên các phương tiện thông tin đại chúng nên du khách đã có ý thức hơn trong việc dùng tiền lẻ công đức đúng nơi quy định, không để bừa bãi như những năm trước. Trong đó, đáng chú ý trạm kỹ thuật cáp treo đối diện với chùa Giải Oan gần như không còn bắt gặp cảnh vứt tiền lẻ la liệt gây phản cảm như những năm trước. Để có được sự chuyển biến đó, ngoài ý thức của du khách được nâng lên, còn phải kể đến ban tổ chức lễ hội đã yêu cầu công ty điều hành, kinh doanh cáp treo không cho cáp treo đi từ từ tại điểm này như những năm trước.

Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh môi trường trong khu di tích vẫn đang thực sự là vấn nạn, dù ban tổ chức đã nhắc nhở trên loa thường xuyên về giữ gìn vệ sinh môi trường. Thùng rác được dựng ở khắp mọi nơi. Lò xử lý chất thải với công suất hàng tấn rác mỗi ngày cũng đã xây dựng và vừa đi vào hoạt động, song ý thức người dân vẫn chưa thật tốt, nên lực lượng thu dọn rác dù hoạt động tích cực vẫn không tránh được tình trạng rác thải vẫn tràn ngập khắp di tích.

* Cùng ngày, chùa Bái Đính, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình đã chính thức khai hội. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi này từng là nơi Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược. Ngày khai hội năm nay do thời tiết ấm áp lượng khách thập phương đến với khu du lịch sinh thái Bái Đính - Tràng An ước tính lên tới 100.000 lượt người.

Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của lễ hội, lực lượng cảnh sát giao thông Công an Ninh Bình đã tăng cường quản lý, phân luồng, hướng dẫn xe không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. An ninh cũng được tăng cường nên hạn chế được hiện tượng trộm cắp hay chèo kéo khách. Trong lễ khai mạc, du khách tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Lễ hội chùa Bái Đính năm 2014 kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

* Cũng trong sáng 5-2, người người lại náo nức đổ về xã Cổ Loa, huyện Đông Anh trẩy hội đền Cổ Loa để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương. Đây là một lễ hội gắn liền với truyền thuyết về chiếc nỏ thần và câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm bắt đầu từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng, nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung. Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống giặc ngoại xâm. Tại lễ hội Cổ Loa, bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang đậm tính truyền thống, phần hội còn được tổ chức tại các khu vực quanh đền với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đu tiên, đánh vật, đá gà, thổi cơm thi, hát chèo, hát quan họ, bắn cung nỏ, cờ người, múa rối nước… tạo nên một không khí vui tươi, sống động trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

* Cùng ngày, lễ hội Gióng tại đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội cũng tưng bừng với nhiều nghi thức truyền thống. Sau phần nghi thức tắm tượng Thánh Gióng và cung tiến lễ vật trang trọng, linh thiêng, là 2 hoạt động gây náo động nhất của lễ hội Gióng ở đền Sóc. Đó là tục “cướp hoa tre” cầu may và tục chém “tướng” (giặc) được diễn xướng một cách tượng trưng bằng hiệu lệnh múa cờ.

NHÓM PV

Kỷ niệm 1.974 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sáng 5-2 (mùng 6 tháng Giêng), tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1.974 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng năm 2014 với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Phần lễ được tổ chức tế, lễ theo nghi thức truyền thống của địa phương do Ban quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng và xã Mê Linh phối hợp thực hiện. Các đại biểu và nhân dân còn được thưởng thức màn trống hội đặc sắc của đội trống Ban quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng thực hiện và trích đoạn chèo Vương nữ Mê Linh tái hiện cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng do Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn.

Ngay sau buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đại biểu đã làm lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng. Ngoài phần lễ, phần hội tổ chức tại ngoại vi Đền thờ Hai Bà Trưng với các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao sôi động phục vụ nhân dân vui hội như: vật truyền thống, đánh đu, cờ người, kéo co, hát dân ca…

Lễ hội diễn ra đến hết ngày 9-2 (tức ngày 10 tháng Giêng).

NGỌC MINH


Nhiều điểm giữ xe tại Hà Nội ép giá khách

(SGGP).- Ngày 5-2 (mùng 6 tháng Giêng), được cho là tốt ngày nên nhiều cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, chợ đã đồng loạt mở hàng khiến bộ mặt phố phường Hà Nội nhộn nhịp trở lại. Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết nên lượng người dân tranh thủ đi chơi vẫn rất đông, các tụ điểm vui chơi, các hàng ăn uống, quán cà phê tại khu vực trung tâm đều đông đúc. So với năm trước, giá cả các hàng ăn uống sau tết năm nay tương đối bình ổn, không tăng giá đột biến. Các nhà hàng lớn, có thương hiệu hầu như không tăng giá dù một số hàng ăn bún, phở vỉa hè, tại các khu vui chơi tăng giá khoảng 20% - 50% so với ngày thường.

Nguyên nhân các hàng ăn không tăng giá nhiều là do năm nay nguồn thực phẩm sau tết vẫn khá dồi dào. Các loại thực phẩm tươi sống thường đắt hàng sau tết như thịt bò, cá tại các chợ giá hầu như không tăng so với trước tết: thịt bò khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg; cá trắm, cá chép vẫn ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg… Do thời tiết ấm nên nhiều loại rau củ quả còn có giá thấp hơn cả những ngày trước tết như su hào 2.000 đồng/củ, cải bắp 4.000 đồng/cây, súp lơ 6.000 đồng/cây… Các chợ xanh, chợ cóc tại các khu dân cư cũng đã hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, giá giữ xe tại các tụ điểm vui chơi giải trí tại Hà Nội lại tăng vô tội vạ, thậm chí gấp 5 - 10 lần giá quy định, nhất là tại khu vực lễ hội. Tại các điểm giữ xe tự phát mọc lên gần gò Đống Đa, chùa Tảo Sách, đền Bia Bà, khu Royal City… đều có giá giữ xe máy lên tới 20.000 - 30.000 đồng/lượt, ô tô 100.000 đồng/lượt.

BÍCH QUYÊN

>> Hà Tĩnh: Khai hội chùa Hương Tích - 2014

Tin cùng chuyên mục