Chiều 28-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 chính thức khai mạc với sự tham dự của các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hội nghị lần này diễn ra trong những tháng cuối của năm 2010, một năm quan trọng đối với ASEAN trong việc thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. “Với chủ đề bao trùm “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, ASEAN trong gần một năm qua đã tiến hành nhiều hoạt động cụ thể và đã đạt những thành tựu to lớn trong việc thực hiện những mục tiêu và kế hoạch đề ra” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hiến chương ASEAN đã thực sự đi vào cuộc sống với sự vận hành trôi chảy của tổ chức bộ máy mới cũng như việc hoàn tất cơ bản các văn kiện pháp lý liên quan, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và liên kết khu vực sâu rộng hơn.
Để chương trình mục tiêu của hội nghị trở thành hiện thực, Thủ tướng nhấn mạnh đến 5 nội dung cần ưu tiên. Thứ nhất, tiếp tục đề ra và tiến hành các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi”, tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận. Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các kế hoạch và biện pháp cụ thể để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN; theo đó, nên chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1 lên tầm cao mới, theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Đồng thời, tích cực đề xuất và tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khuôn khổ hợp tác khu vực rộng lớn hơn do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác. Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình trên cơ sở các quyết định của Cấp cao ASEAN-16. ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Thứ tư, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN, là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó cần có những nỗ lực lớn hơn, nhất là tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia. Thứ năm, ASEAN cần thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là khủng hoảng tài chính - kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Ngay sau phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành phiên họp hẹp với 3 chủ đề chính: Xây dựng cộng đồng ASEAN, Quan hệ đối ngoại của ASEAN và Xây dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kiểm điểm lại việc thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa “văn hóa thực thi” để nâng cao hiệu quả thực hiện các thỏa thuận, song song với các biện pháp đồng bộ...
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN do Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN đệ trình, đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN để giám sát và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể này. Những quyết định quan trọng này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa liên kết, và kết nối các mặt trong ASEAN, cũng như tạo điều kiện để tăng cường kết nối ở khu vực rộng lớn hơn là Đông Á.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố về Nâng cao phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu. Theo đó, các vị lãnh đạo nhất trí tiếp tục quan hệ giữa ASEAN với các đối tác lên tầm cao mới. Trên cơ sở quyết định của Hội nghị Cấp cao 16 về mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS), lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh đóng góp xây dựng của các đối tác vào việc xử lý các vấn đề khu vực và nhất trí sẽ thống nhất với các đối tác EAS chính thức mời Tổng thống Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) từ năm 2011. Trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được tổ chức vào ngày 28-10. Đến thời điểm hiện nay, trên con đường tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đã gần như hoàn thành thực hiện các biện pháp đề ra cho giai đoạn thứ nhất 2008-2009 và đã chuyển sang các bước của giai đoạn sau 2010-2011. Để đạt mục tiêu cuối cùng đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, các nước ASEAN thống nhất đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các thỏa thuận nội khối cũng như các cam kết ASEAN Cộng. Và để hiện thực hóa điều đó, ASEAN cần củng cố vai trò điều phối việc thực hiện các cam kết ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, an ninh lương thực, năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… |
Thành Nam
>> Toàn văn phát biểu của Thủ tướng